Hoàng Thị Nhàn

Vi phạm dân sự là gì? Quy định chứng cứ trong tố tụng dân sự

Vi phạm dân sự dẫn đến có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự là vấn đề diễn ra khá phổ biển thường ngày. Vậy khi có tranh chấp cần có những gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Đó chính là chứng cứ để chứng minh có sự vi phạm về dân sự.

1. Vi phạm dân sự là gì?

Vi phạm dân sự là hành vi xâm phạm đến các quan hệ nhân thân và tài sản được quy định chung trong bộ luật Dân sự và quan hệ pháp luật dân sự khác được pháp luật bảo vệ, như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

Khi chủ thể có hành vi vi phạm về dân sự, phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra sẽ áp dụng các chế tài xử lý khác nhau.

2. Quy định về chứng cứ trong tố tụng dân sự

Chứng cứ là những cái có thật, theo một trình tự do luật định được tòa án dùng làm căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự.

Chứng cứ trong tố tụng dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

*Các thuộc tính của chứng cứ: để được coi là chứng cứ cần đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở việc chứng cứ là cái có thật, tồn tại ngoài ý muốn của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, họ chỉ có thể thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ.

Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ giữa chứng cứ và vụ việc dân sự có mối liên hệ nhất định. Nhờ chứng cứ mà Tòa án có thể công nhận hoặc bác bỏ các tình tiết, sự kiện của vụ việc.

Tính hợp pháp của chứng cứ yêu cầu chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn nhất định do pháp luật quy định; quá trình nghiên cứu, thu thập, đánh giá, sử dụng phải tuân theo quy định của pháp luật.

*Nguồn của chứng cứ: Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Vật chứng; Lời khai của đương sự; Lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; Văn bản công chứng, chứng thực; Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

3. Tư vấn trường hợp bản ghi âm có được coi là chứng cứ?

Câu hỏi: Kính thưa luật sư! Tôi xin phép hỏi đáp một vấn đề: Sau một thời gian mẹ tôi ghi đề đã nợ một số tiền. Sau một thời gian nhiều năm đóng tiền lời thì không đủ khả năng nữa. Mẹ tôi đưa giấy tờ nhà chỉ là giấy tay và mẹ tôi đã viết một tờ giấy mượn nợ 50.000.000 đồng. Mà số tiền này mẹ tôi không nhận tiền mặt mà chỉ trừ vào số tiền ghi đề. Sau vài tháng không có tiền để đóng tiền lời, người chủ nợ cũng là người mẹ tôi ghi đề tìm đến tôi hẹn ngày gặp mặt. Tôi đã thu âm cuộc đàm thoại giữa tôi mẹ tôi và người chủ nợ. Về vấn đề này xin hỏi luật sư: Bản ghi âm của tôi có hợp pháp không? Tôi là con có trách nhiệm phải trả số nợ đó không? Bản ghi âm của tôi có đầy đủ bằng chứng về việc số tiền mẹ tôi cầm giấy tờ nhà không lấy tiền mặt mà là trừ vào khoản nợ ghi đề và tiền lời của người chủ nợ đưa ra. Số tiền 50.000.000 đồng với lại suất 8.000.000 đồng một tháng tôi có quyền đi thưa kiện không? Mong rằng sẽ nhận được câu trả lời sớm nhất từ luật sư. Tôi xin thành thật cảm ơn!

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin gửi lời cảm ơn tới bạn! Về câu hỏi của bạn công ty chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, bản ghi âm có hợp pháp không?

Bản ghi âm là một loại tài liệu nghe được, chứa đựng nội dung liên quan đến vấn đề vay tiền của mẹ bạn. Việc bạn ghi âm cuộc đàm thoại giữa bạn, mẹ và chủ nợ để dùng để chứng minh có cuộc gặp là không trái các quy định của pháp luật.

Thứ hai, con có nghĩa vụ trả nợ cho mẹ không?

Đối với giấy tờ vay nợ của mẹ bạn, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo quy định trên của pháp luật dân sự thì mẹ của bạn là bên vay, có trách nhiệm trả tiền vay và lãi suất cho bên cho vay. Bạn không có nghĩa vụ cũng như trách nhiệm trả số nợ đó thay cho mẹ của bạn.

Thứ ba, việc khởi kiện

Việc bạn có bản ghi âm để làm bằng chứng để khởi kiện bên cho vay tiền. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tại Điều 93:

Điều 93. Chứng cứ

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Theo quy định tại điều 94 BLTTDS 2015 thì băng ghi âm được coi là một nguồn chứng cứ và nó được coi là chứng cứ nếu thỏa mãn điều kiện về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Ghi âm được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Vì vậy, bạn có quyền đưa ra làm bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Ngoài ra, lãi suất bên cho vay áp dụng với mẹ của bạn là 16%/tháng nên nếu số lợi bất chính mà bên cho vay thu được của mẹ bạn từ 30 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Lưu ý: khi bạn khởi kiện tại tòa án về việc mẹ bạn ký giấy vay tiền với số tiền dùng để ghi lô, đề thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc tiến hành điều tra. Mẹ bạn ghi số đề nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (ghi số lô, số đề là một hình thức của việc đánh bạc).

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo