Nguyễn Thị Thùy Dương

Hỏi cung bị can là gì? Những ai được tham gia hỏi cung bị can?

Hỏi cung bị can là một trong những hoạt động điều tra được tiến hành bởi người có thẩm quyền nhằm mục đích làm sáng tỏ sự thật trong vụ án hình sự. Việc hỏi cung phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục và nguyên tắc mà Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định.

 1. Bị can là ai?

Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định về bị can như sau: “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này [...]”

Như vậy, bị can có thể được hiểu là người, pháp nhân bị buộc tội tham gia tố tụng tại giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. 

2. Hỏi cung bị can là gì? Các nguyên tắc cần tuân thủ khi hỏi cung bị can

Hỏi cung là hoạt động điều tra tố tụng đối với bị can do Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành sau khi có quyết định khởi tố bị can. Mục đích của hỏi cung nhằm làm rõ sự thật về việc có hay không hành vi phạm tội của cá nhân bị can và những người có liên quan.

Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), việc hỏi cung bị can phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc như sau: 

- Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu: Điều tra viên giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Việc này phải ghi vào biên bản.

- Trường hợp vụ án có nhiều bị can: Hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.

- Thời điểm hỏi cung: Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Địa điểm hỏi cung: Cơ sở giam giữ; trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc địa điểm khác. 

- Người tiến hành hỏi cung: Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên

Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

- Hành vi bị nghiêm cấm khi hỏi cung: Bức cung, dùng nhục hình đối với bị can trong quá trình hỏi cung. 

3. Những người được tham gia hỏi cung bị can?

Khoản 3 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định như sau: 

“Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

Trường hợp hỏi cung bị can có mặt người bào chữa, người đại diện của bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.”

Như vậy, có thể xác định, người phiên dịch, người bào chữa và người đại diện của bị can là những người có thể tham gia hỏi cung bị can. Cụ thể như sau: 

3.1. Người phiên dịch

Căn cứ Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), người phiên dịch là người có khả năng phiên dịch và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

Theo đó, người phiên dịch chỉ được tham gia quá trình hỏi cung bị can khi được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền triệu tập. 

3.2. Người đại diện của bị can

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định hướng dẫn trực tiếp về người đại diện của bị can. Dựa trên cách hiểu thống nhất, người đại diện của bị can là người đại diện theo pháp luật của cá nhân theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015. Thông thường là cha, mẹ của bị can là người chưa thành niên. 

3.3. Người bào chữa của bị can

Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Người bào chữa có quyền tham gia hỏi cung bị can. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành hỏi cung bị can, người bào chữa có quyền nhận thông báo của Điều tra viên về địa điểm và thời gian hỏi cung bị can. 

Như vậy, hỏi cung là một trong những hoạt động điều tra để làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án hình sự. Theo quy định, những người được tham gia hỏi cung bị can bao gồm: người phiên dịch, người bào chữa và người đại diện của bị can.

Trân trọng! 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169