LS Vũ Thảo

Hỗ trợ giải quyết chia tài sản sau khi ly hôn?

Tôi tên D, Tôi đang rất bế tắc và cần sự tư vấn và hỗ trợ luật cho tôi về vụ phân chia tài sản sau khi ly hôn như sau: Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 10 năm, có 1 con trai chừng 10 tuổi và 1 ngôi nhà 3,5 x 12m. Năm 2014 hai chúng tôi ly hôn, tòa quyết định tôi nuôi con và chồng cũ tôi từ chối trợ cấp cho con trai tôi. Sau ly hôn tôi vẫn sống trong ngôi nhà đó và gởi đơn cho Tòa Án để tiếp tục vụ chia tài sản sau ly hôn

Tòa Án đã đến nhà Tôi để tiến hành đo đạc nhà. Căn nhà cấp 4 trị giá khoảng 500 triệu.Tôi vẫn sống trong nhà cùng với anh để đợi phân chia tài sản thì vừa ly hôn xong, anh đã mang vợ mới về ở và đánh mẹ con tôi ra khỏi nhà.Tôi không chịu được việc anh cúp điện, cúp nước, khóa cửa ko cho vô nhà nhiều lần….nên tôi đã lén dọn nhà cùng con xuống BĐ thuê phòng trọ gần công ty để ở tạm. Vì Ngôi nhà này mua bằng giấy tay nên sau đó Tòa Án đã cho mời anh A bán nhà cho tôi, Anh A khai là mua của chị B. Và chị B này đã xuất cảnh đi nước ngoài nên không thể liên lạc để xác nhận  thông tin về căn nhà. Và cuối cùng thì Tòa Án quyết định là trả hồ sơ vì không chứng minh được xuất xứ căn nhà. Thật vô lý. Bên Tòa Án khuyên Tôi nên im lặng một thời gian rồi khởi kiện lại. Sau đó nói với anh A người bán nhà cho vợ chồng tôi là nhà này của anh ta để vụ án trở nên dễ dàng xác nhận nguồn gốc căn nhà hơn.Căn nhà đó là tiền mồ hôi công sức 10 năm làm lụng cực khổ của tôi bỏ tiền mặt ra để mua nhà. Tôi góp 150 triệu còn mẹ anh cho anh mượn 100 triệu để mua căn nhà đó. Giờ anh độc chiếm nó và chẳng đoái hoài gì đến mẹ con tôi sống bơ vơ vất vưởng từ phòng trọ này đến phòng trọ khác….Rất mong nhận được sự hỗ trợ về pháp luật và giúp Tôi thực việc chia đôi Tài sản này làm đôi theo quy định để mẹ con tôi còn có chút tiền để trang trải  cuộc sống hàng ngày.Kính đơn N..

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chung tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Bộ luật dân sự 2015, Điều 122 Luật Nhà ở 2014, mua bán nhà ở phải được lập thành hợp đồng có công chứng, chứng thực. Việc vợ chồng bạn chỉ mua bán giấy tờ viết tay với bên bán nhà ( anh A) sẽ gặp rất nhiểu rủi ro nếu xảy ra tranh chấp. Trường hợp này, anh A mua lại nhà của chị B cũng bằng giấy tờ viết tay, nên không có đủ căn cứ, cơ sở để khẳng định anh A là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà.

Vì vậy, đầu tiên cần phải xác định đủ chứng cứ để chứng minh căn nhà đó thuộc sở hữu của anh A. Giữa anh A và vợ chồng bạn không có tranh chấp gì về căn nhà, anh A cũng thừa nhận đxa bán căn nhà đó cho vợ chồng bạn, thì Tòa án có thể xác định căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng.

Căn cứ Điều 59 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung  của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền,lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Khi xác định được căn nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung. Nếu chồng bạn không thực hiện theo bản án thì bạn có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự buộc chồng bạn phải thực hiện.

Căn cứ Điều 82, Điều 110, Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014, sau khi ly hôn chồng bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án quyết định. Nếu chồng bạn trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng này thì bạn có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự buộc chồng bạn phải thực hiện. Việc từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo