Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự năm 1999

Trong hệ thống hình phạt của BLHS năm 1999, phạt tiền cùng với trục xuất là hai hình thức hình phạt vừa được quy định là hình phạt chính, vừa được quy định là hình phạt bổ sung.

Nội dung pháp lí của hình phạt tiền chính là sự tước bỏ khoản tiền nhất định của người bị kết án để sung quỹ Nhà nước. Với nội dung này thì hình phạt tiền là loại hình phạt có khả năng tác động một cách trực tiếp và có hiệu quả về mặt kinh tế đối với người phạm một số tội trong một số lĩnh vực mà luật quy định. Nghiên cứu hình phạt tiền quy định tại Điều 30 BLHS năm 1999 và so sánh với hình phạt tiền được quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985 có thể rút ra một số điểm mới sau đây:

1. Về số lượng các điều luật có quy định hình phạt tiền. Trong BLHS năm 1999 số điều luật có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính chiếm 69/263 điều và với tư cách là hình phạt bổ sung hình phạt tiền được quy định ở 102/263 điều (phần các tội phạm của BLHS). Nếu so sánh với BLHS 1985 thì con số này thứ tự là 11/215 điều và 52/215 điều (phần các tội phạm BLHS). Qua đó có thể thấy BLHS 1999 đã mở rộng một cách đáng kể phạm vi áp dụng hình phạt tiền so với BLHS 1985 đồng thời điều đó còn thể hiện cách đánh giá cũng như cách nhìn mới của Nhà nước và xã hội về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của một số tội phạm.

2. Về phạm vi, điều kiện áp dụng hình phạt tiền. Khác với quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985, Điều 30 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ phạm vi, điều kiện cho việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính khoản 1 Điều 30 BLHS năm 1999 quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lí kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lí hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Có thể nói, đây là điểm mới trong chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với việc áp dụng hình phạt tiền trong một số trường hợp nhằm phát huy ưu điểm tối đa của loại hình phạt này nói riêng và tính đa dạng của các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt. Đồng thời với việc quy định chặt chẽ, rõ ràng như vậy còn giúp cho việc vận dụng hình phạt này trong từng trường hợp cụ thể được chính xác, tránh việc áp dụng tràn lan, dễ làm nảy sinh tiêu cực. (1) Bên cạnh đó điều luật cũng quy định rõ trong trường hợp nào thì hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung. Khoản 2 Điều 30 BLHS năm 1999 quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma tuý hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Với chức năng hỗ trợ cho hình phạt chính, phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung tạo điều kiện để toà án có thể xử lí triệt để và công bằng đối với người phạm tội nhằm đạt được mục đích cao nhất của hình phạt.

3. Về mức phạt tiền khoản 3 Điều 30 BLHS năm 1999 quy định: “Mức phạt tiền được quyết định tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn một triệu đồng”. Như vậy, khi quyết định mức phạt tiền, ngoài những căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 BLHS năm 1999, toà án còn phải xem xét và cân nhắc những căn cứ riêng biệt như “tình hình tài sản của người phạm tội” và “sự biến động của giá cả” để có thể quyết định mức hình phạt hợp lí, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đồng thời còn đảm bảo hình phạt đã tuyên có tính khả thi. Điều khác biệt lớn nhất giữa quy định này và quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985 là mức tiền phạt tối thiểu. Trong Điều 23 BLHS năm 1985, mức tiền phạt tối thiểu không được luật quy định, thậm chí trong các điều luật phần các tội phạm của BLHS hầu hết chỉ quy định mức tiền phạt tối đa (ngoại trừ Điều 215 tội vi phạm các quy định về xãất bản và phát hành sách, báo, ấn phẩm khác “… phạt tiền từ 250.000 đến 10 triệu đồng”). Như vậy, có thể nói rằng trong cả phần chung và phần các tội phạm của BLHS năm 1985, nhà làm luật đã không quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền, điều này gây khó khăn không nhỏ trong thực tiễn áp dụng luật hình sự, nhất là khi áp dụng khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985. Để khắc phục hạn chế này, BLHS năm 1999 đã quy định mức tiền phạt tối thiểu trong tất cả các khung hình phạt của các điều luật phần các tội phạm có quy định hình phạt tiền. Đây là cơ sở pháp lí cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho những người áp dụng luật hình sự có thể vận dụng khi quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật theo tinh thần của Điều 47 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, mức tiền phạt thấp nhất không được nhỏ hơn một triệu đồng (khoản 3 Điều 30 BLHS năm 1999). Việc bổ sung nội dung này của điều luật là cần thiết nhằm thể hiện rõ tính nghiêm khắc của chế tài hình sự so với các chế tài khác như chế tài hành chính, kinh tế… (2)

4. Về cách thức thi hành hình phạt tiền. Lần đầu tiên cách thức thi hành hình phạt tiền được quy định tương đối cụ thể, khoản 4 Điều 30 BLHS năm 1999 quy định: “Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do toà án quyết định trong bản án”. Cách quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi để những người bị kết án với những điều kiện, hoàn cảnh và khả năng tài sản khác nhau đều có thể thi hành án phạt tiền mà toà án đã áp dụng với họ. Tất nhiên, trách nhiệm của toà án là phải xác định rõ thời hạn thi hành hình phạt tiền của người bị kết án trong bản án. Đây cũng là nội dung của nguyên tắc nhân đạo XHCN đã được nhà làm luật cụ thể hoá trong BLHS.

Với những nội dung được sửa đổi, bổ sung như đã trình bày ở trên, hình phạt tiền được quy định tại Điều 30 BLHS năm 1999 được xem như hoàn thiện hơn về mọi mặt so với chính nó khi được quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985. Tuy nhiên, khi nghiên cứu những nội dung cụ thể của hình phạt này trong BLHS năm 1999, chúng tôi thấy còn một số vấn đề thiết nghĩ cũng cần đưa ra để trao đổi ở đây.

- Thứ nhất, về nội dung của khoản 4 Điều 30 BLHS năm 1999. Mặc dù lần đầu tiên cách thức thi hành hình phạt tiền được quy định tương đối chi tiết, cụ thể “tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do toà án quyết định” nhưng hình như nội dung này vẫn thiếu tính cưỡng chế cần thiết, bởi lẽ nhà làm luật đã không quy định hình thức xử lí đối với trường hợp người bị kết án cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu nộp phạt hoặc không có khả năng nộp tiền phạt. Do đó, trong nhiều trường hợp việc áp dụng quy định này là thiếu tính khả thi. Theo chúng tôi, để khắc phục hạn chế trên chúng ta cần tham khảo và học tập kinh nghiệm lập pháp của một số nước cho phép thay thế hình phạt tiền bằng các hình phạt khác nghiêm khắc hơn. (3) Việc quy đổi này là hoàn toàn cần thiết vì nó có tính răn đe cao, cho nên buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt một cách nghiêm chỉnh.

- Thứ hai, về khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền trong BLHS năm 1999. Tuy đã có sự tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai mức này trong một khung hình phạt. Nhưng nhìn chung, trong nhiều khung hình phạt của các điều luật phần các tội phạm có quy định hình phạt tiền thì khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa vẫn còn quá lớn. Ví dụ như khoảng cách này là 10 lần được quy định ở các khoản 1 Điều 153; khoản 1 Điều 168; khoản 1 Điều 171; khoản 1 Điều 182; khoản 1 Điều 183; khoản 1 Điều 184; khoản 1 Điều 189; khoản 1 Điều 190… BLHS năm 1999, hoặc 20 lần ở khoản 1 Điều 172 BLHS năm 1999. Đặc biệt khoản 1 Điều 178 BLHS năm 1999 khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa là 50 lần… Với khoảng cách quá lớn như đã nêu, tuy tạo điều kiện thuận lợi cho những người áp dụng luật hình sự có thể dễ dàng lựa chọn mức hình phạt cụ thể tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Song bên cạnh đó cũng cần phải kể đến mặt trái của nó là rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện, không thống nhất trong khi giải quyết những vụ việc giống nhau chỉ vì những “lí do” khác nhau của những người áp dụng. Do đó, để khắc phục tình trạng này theo chúng tôi, trong một số điều luật cần phải xây dụng thêm các khung hình phạt mới với việc cụ thể hoá những tình tiết định khung mới nhằm phân hoá trách nhiệm hình sự trong luật một cách cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi để có thể cá thể hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội một cách chính xác trong những trường hợp cụ thể./.

Chú thích :

(1).Xem: TS. Uông Chu Lưu, “Những điểm sửa đổi bổ sung cơ bản trong phần chung của BLHS”, Số chuyên đề về BLHS 1999, tr. 39.

(2).Xem: Tài liệu tập huấn chuyên sâu BLHS năm 1999, tr .76.

(3).Xem: Hình phạt tiền trong BLHS của Liên Bang Nga, Thuỵ Điển, CHLB Đức, Nhật Bản…

TS. Trương Quang Vinh - Theo : Tạp chí Luật học số 04 (2002)

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169