Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

Xin luật sư cho em hỏi, em có đăng kí làm đối tác của Youtube thuộc google. Em đăng những video về phim hoạt hình ĐOREMON chiếu trên htv3 và 1 số chương trình giải trí trên htv7 lên youtube và dưới sự rà soát, kiểm tra về luật bản quyền của youtube thì em đăng lên được và kiếm tiền quảng cáo từ youtube trả cho em hàng tháng.Luật sư cho em hỏi em làm vậy có vi phạm pháp luật Việt Nam không vậy? em làm việc này để kiếm thêm thu nhập hàng tháng và em không đăng những video đồi trụy hay phản động. E


Nội dung đề nghị tư vấn:
 
Xin luật sư cho em hỏi, em có đăng kí làm đối tác của Youtube thuộc google. Em đăng những video về phim hoạt hình ĐOREMON chiếu trên htv3 và 1 số chương trình giải trí trên htv7 lên youtube và dưới sự rà soát, kiểm tra về luật bản quyền của youtube thì em đăng lên được và kiếm tiền quảng cáo từ youtube trả cho em hàng tháng.Luật sư cho em hỏi em làm vậy có vi phạm pháp luật Việt Nam không vậy? em làm việc này để kiếm thêm thu nhập hàng tháng và em không đăng những video đồi trụy hay phản động. Em chỉ đăng về hoạt hình và giải trí thôi.
 
 Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo các quy định tại điều 28 và điều 35 luật sở hữu trí tuệ 2005 có quy định về trường hợp của bạn như sau:
 
 “Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
 
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
 
2. Mạo danh tác giả.
 
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
 
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
 
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
 
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
 
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
 
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
…..
 
“Điều 35. Hành vi xâm phạm các quyền liên quan
 
1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
 
2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
 
3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
 
4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
 
5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
 
6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
 
7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
 
8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
 
9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
 
10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.”
 
Như vậy trong trường hợp của bạn, việc bạn chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng nhưng lại đăng những video về phim hoạt hình và một số chương trình giải trí được chiếu trên kênh HTV3 và HTV7 có liên quan đến vấn đề bản quyền đối với bên thứ 3 chính là các nhà đài đã mua hoặc tự sản xuất các chương trình đó để thu lợi nhuận. Do đó việc bạn làm đối tác cho youtube và có đăng những chương trình đó lên và kiếm được tiền quảng cáo của yotube trả cho bạn hàng tháng là không đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ mặc dù nó không có nội dung đồ trụy hay phản động.  Còn việc bạn vẫn đăng lên và vẫn được trả tiền từ youtube có thể do quá trình kiểm tra, rà soát chưa chặt chẽ hoặc có lỗi hoặc bạn đã dựa vào các video gốc để chỉnh sửa và đăng lên để thu lợi nhuận. Nếu trong trường hợp bị khởi kiện rất có thể bạn sẽ bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự phụ thuộc vào tính chất, mức độ xâm phạm.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV: Ngọc Anh – Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo