Hành vi gây rối trật tự công cộng có bị tạm giữ không?
Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến bộ phận luật sư Hình sự - Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:
- Trong trường hợp hành vi của con trai bạn chỉ là vi phạm hành chính, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định như sau:
Điều 119. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:
1. Tạm giữ người;
…
Theo đó, Tạm giữ người được coi là một trong những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên chỉ được áp dụng trong những trường hợp cần thiết. Điều 122 – Luật xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể như sau:
""1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
4. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.""
Theo quy định trên, việc tạm giữ người trong thủ tục hành chính có thể áp dụng với hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác nhưng được thực hiện ngay khi người này đang thực hiện hành vi. Do đó, cơ quan công an không có căn cứ để tạm giữ con bạn theo thủ tục hành chính.
Ngoài ra, nếu như hành vi của con trai bạn đủ yếu tố để cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015:
"1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."
Khi đó, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc có căn cứ chứng tỏ bị can sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam... được quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp con trai bạn bị cơ quan công an tạm giữ là đúng nếu có các căn cứ theo quy định tại Điều 117 BLTTHS 2015'
''1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.''
Con bạn có thể bị tạm giữ trong trường hợp cơ quan công an cần có thời gian để lấy lời khai và xác minh những tình tiết cần làm rõ về hành vi phạm tội, căn cước, lý lịch, nhân thân của con bà; hoặc công an cho rằng con bà có thể bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Về thời gian tạm giữ theo Khoản 1 và 2 điều 118 Bộ luật TTHS 2015:
''1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.''
Như vậy, thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 9 ngày.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất