LS Hồng Nhung

Hành vi đe dọa giết người có bị xử lý hình sự không?

Hành vi đe dọa giết người qua điện thoại có bị xử lý hình sự không? Việc thế chấp tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình bị xử lý thế nào?


Nội dung cần tư vấn: Cho tôi hỏi, tôi và bạn gái tôi quen nhau yêu nhau, những gia đình không cho phép vi vậy tôi và bạn gái tôi bỏ nhà ra đi, nhưng sau đó bị gia đình bắt về, và tôi và bạn gái tôi cãi nhau, tôi có điện thoại và nhắn tin đòi đánh đòi giết, chỉ nói những câu chửi thề và tao sẽ giết mi, và bây giờ gia đình bạn gái tôi viết đơn trình báo công an như vậy tôi có phạm tội hình sự không ạ .

Thứ 2: trong khi bỏ đi tôi và bạn gái tôi đã đem tài sản thế chấp như laptop, điện thoại, xe máy, nhưng xe máy thì bà bạn gái tôi đứng tên, tất cả số tài sản trên tôi đều đứng tên cầm, và gia đình bạn gái tôi đã lấy về tổng số tiền 30 triệu đồng, nhưng giờ gia đình họ làm bản báo cáo đến công an, vậy tôi có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không ạ, có liên quan đến hình sự không? Vì trong thời gian đi tôi cũng có thể chấp tài sản của gia đình tôi số tiền 50 triệu đồng để 2 đứa tiêu sài và gia đình tôi đã lấy về, Công an đã mời tôi đến làm việc nhưng gây khó dễ và tôi chịu bồi thường 10 triệu nhưng gia đình họ không chấp nhận, Bên cơ quan điều tra nói nếu không giải quyết bồi thường hết có thể ngồi tù, cho tôi hỏi hành vi của tôi có nghiêm trọng không?

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi đe dọa giết người của bạn:

 

Theo quy định của pháp luật, hành vi đe dọa sẽ giết bạn gái của bạn qua điện thoại tùy từng mức độ sẽ bị xử lý như sau:

 

+ Trong trường hợp những tin nhắn, cuộc gọi đe dọa của bạn chỉ là những lời đe dọa thông thường chứ không có căn cứ làm cho bạn gái của bạn lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì hành vi đe dọa này sẽ không bị xử lý về hình sự mà sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:

 

"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

..."

 

Như vậy, nếu những tin nhắn, cuộc gọi đe dọa của bạn với bạn gái chỉ là những lời đe dọa thông thường, không có căn cứ làm cho bạn gái của bạn lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

+ Trong trường hợp bạn nhắn tin, gọi điện de dọa bạn gái kết hợp cùng với các hành động khác làm cho bạn gái của bạn có căn cứ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì hành vi này thỏa mãn tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 133 của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

 

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

 

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

 

Theo quy định trên, nếu bạn nhắn tin, gọi điện đe dọa bạn gái của bạn kết hợp cùng với các hành động khác làm cho bạn gái của bạn có căn cứ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bạn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

 

Thứ hai, về việc thế chấp chiếc xe máy của bà của bạn gái bạn:

 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bạn đứng tên để thế chấp chiếc xe máy không thuộc quyền sở hữu của bạn và cũng không được chủ sở hữu ủy quyền nên hợp đồng giữa bạn và bên nhận thế chấp về việc thế chấp chiếc xe máy là giao dịch dân sự vô hiệu do bên nhận thế chấp bị lừa dối vì tài sản thế chấp không thuộc sở hữu của bạn. Theo đó, chiếc xe máy sẽ được trả lại cho chủ sở hữu và bạn phải trả lại cho bên nhận thế chấp khoản tiền đã nhận và có thể phải bồi thường thiệt hại vì hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự. Trong trường hợp này, gia đình bạn gái bạn đã lấy chiếc xe máy đó, do đó, bạn sẽ phải trả lại cho gia đình bạn gái bạn số tiền họ đã lấy lại chiếc xe từ bên nhận thế chấp. 

 

Về trách nhiệm hình sự, do bạn và bạn gái bạn mang tài sản không thuộc sở hữu của mình và không có sự đồng ý của chủ sở hữu đi thế chấp nhưng bạn không nói rõ hành vi như thế nào cho nên chưa thể xác định hành vi của bạn cấu thành tội danh cụ thể nào. Do đó, bạn có thể xem xét những quy định sau để xem xét hành vi của bạn cấu thành tội danh gì theo quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể:

 

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

 

 

Trân trọng!

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn