Hạn chế quyền nuôi con sau khi ly hôn của chồng như thế nào?
Nội dung tư vấn: Em chào Luật Minh Gia. Cho em hỏi trường hợp của em như sau: Em và chồng em ly hôn được 1 năm và anh ấy đã có vợ mới được 4 tháng, khi ly hôn em được quyền nuôi con, anh ấy được quyền thăm nom. Thời gian đầu anh ấy không đến nhà thăm bé mà đến lớp bé học để thăm bé các cô giáo cũng có nói đến trường như vậy làm ảnh hưởng tâm lý bé, cô giáo nói mẹ về nói ba bé hôm sau đừng đến trường thăm bé nữa vì như vậy không tốt cho tâm lý bé mà còn khiến bé có mặc cảm với bạn bè. Em có nói nhưng anh ấy vẫn cứ đến trường và em đã chuyển bé học trường mới từ đó anh ấy không biết trường mới nên không đến trường thăm bé được nữa. Và thời gian gần đây anh ấy về nhà (nhà ngoại) để thăm bé, lúc đầu mới ly hôn em sợ bé còn nhỏ nên em không dám nói sự thật, nay em mới nói sự thật cho bé biết là mẹ và ba của bé đã ly hôn vì lúc đó mẹ bị bênh nên ba bỏ mẹ rồi giờ cộng thêm chuyện anh ấy có vợ mới nữa, nên bé rất hận và căm ghét anh ấy đã đối xử với mẹ con em như vậy, lần cuối bé gặp anh ấy bé nói con mãi mãi không muốn gặp lại người Ba như Ba nữa, con hận Ba và Ba không phải là Ba của con. Nhưng anh ấy vẫn cứ đến mỗi lần anh ấy đến bé không muốn gặp và bỏ vào phòng và thời gian gần đây em thấy bé giống như bị tự kỷ ở trường cô giáo cũng nói vậy bé không muốn chơi với bạn bè cũng không muốn nói chuyện với ai ngoài giờ học bé vào giường nằm và khóc, bé nhà em năm nay tròn 6 tuổi.
Xin Luật Minh Gia cho em hỏi trưởng hợp em như vậy em có được quyền làm đơn cấm anh ấy thăm nom bé không và thủ tục làm đơn như thế nào ạ? Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chúng tôi xin được đưa ra hướng giải quyết như sau:
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia định 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Từ các quy định trên đây, có thể thấy chồng chị có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con cái sau thời kì hôn nhân và chị có nghĩa vụ tôn trọng, không được cản trở quyền đó của chồng chị đối với con chung của hai vợ chồng theo Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp của chị, con chị có thái độ hận ba, cảm thấy xấu hổ với bạn bè và có trạng thái tâm lý giống như bị tự kỉ. Có lẽ nguyên nhân của trạng thái tâm lý này là do bé chưa hiểu được mọi chuyện đang diễn ra, vậy nên anh chị cần ngồi lại với nhau, cùng nhau giải thích và thuyết phục cho bé hiểu rằng mặc dù ba mẹ đã ly hôn, ba đã có gia đình mới nhưng ba vẫn yêu thương, chăm sóc con. Tuy nhiên, bé nhà chị mới 6 tuổi nên anh chị cần giải thích kiên nhẫn, dùng từ ngữ dễ hiểu để thuyết phục bé, tránh làm bé tổn thương và khi không hiểu về vấn đề bé sẽ dễ dẫn đến tâm lý hận người cha, xấu hổ với hàng xóm, bạn bè. Bên cạnh đó, anh chị cũng cần dành thời gian bên con, chăm sóc con cùng nhau nhiều hơn như đưa con đi chơi công viên, đi ăn... để bé có thể cảm nhận tình yêu thương cua cả cha và mẹ.
Trường hợp bé vẫn cảm thấy ghét ba và tình trạng bệnh tự kỉ ngày càng nặng hơn thì chị có thể thỏa thuận với anh, nói rõ cho anh hiểu về bệnh tình của con để anh hạn chế đến thăm bé. Nên giải thích rõ với anh rằng nếu anh đến thăm nhiều sẽ khiến cho bé ngày càng trở nên ghét bỏ ba, bệnh tự kỉ cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Nếu anh vẫn không đồng ý với thỏa thuận hạn chế thăm nom con thì chị có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của chồng cũ chị theo Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Và theo Khoản 4 Điều 29 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu của chị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo điểm k Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn”.
Từ các quy định trên đây có thể thấy chị có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng chị tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi chị cư trú hoặc làm việc.
Hồ sơ yêu cầu bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con (theo mẫu tại Tòa án).
Bản án ly hôn (bản chính hoặc trích lục).
Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực).
Chứng cứ chứng minh việc chồng cũ của bạn lạm dụng quyền thăm nom con để gây cản trở, làm ảnh hưởng tới việc giáo dục con (có thể giấy xác nhận bệnh tự kỉ của bé, lời làm chứng của cô giáo hoặc người khác chứng minh rằng việc gặp con của anh khiến cho tình trạng bệnh của bé trở nên nặng hơn).
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất