Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng bị xử lý như thế nào?

Thực tế, hiện nay xảy ra rất nhiều vụ án liên quan đến vấn đề vượt quá phòng vệ chính đáng, vậy vượt quá phòng vệ chính đáng được hiểu như thế nào và các trường hợp nào phải chịu trách nhiệm hình sự do vượt quá phòng vệ chính đáng, để được giải đáp cụ thể về các vấn đề trên bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ.

1. Luật sư tư vấn về trách nhiệm khi vượt quá phòng vệ chính đáng

Pháp luật hình sự quy định cụ thể phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Đối với các hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Việc xác định như thế nào là vượt quá phòng vệ chính đáng sẽ do cơ quan có thẩm quyền đánh giá dựa trên tính chất, mức độ, mục địch của hành vi gây thiệt hại và hành vi phòng vệ.

Tuy nhiên, việc xác định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trên thực tế có những khó khăn nhất định, do đó với mỗi trường hợp khác nhau cơ quan có thẩm quyền đưa ra các yếu tố đánh giá khác nhau.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này. 

2. Trách nhiệm hình sự khi vượt quá phòng vệ chính đáng

Câu hỏi:

Tôi cần tư vấn về một vụ án giết người sau: H (19t), L (17t) có gây gỗ với T (16t )- là con trai ông Thanh (40t). H có đánh Thành vài cái nhưng chỉ trầy xác sơ sơ thôi, ông Thanh nổi giận cùng với T và người con trai 15t tìm H để "giải quyết" Đến một quán ăn, thấy H, L đang ăn bánh. Ba cha con xông vào đánh H (Thành có mang dao, ông Thanh cầm đá), Thành đâm 4 nhát vào H, còn ông Thanh dùng đá đập vào đầu H dẫn đến bị thương nặng. H cố gắng bỏ chạy nhưng ba cha con vẫn đuổi theo.

Khi ba cha con đang đuổi theo H, ông Thanh thấy L đuổi theo sau nên đã quay lại đuổi theo L đến một con hẻm cụt. Khi ông Thanh đánh L, L bị thất thế nên dùng con dao mà nhặt được đâm ông Thanh một nhát để thoát ra, nhưng nhát dao trúng cổ khiến ông Thanh chết tại chỗ. Sau khi gây án, gia đình đã dẫn L đi tự thú.

Vậy, xin hỏi quý luật sư trường hợp của L có được xem là giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?  phải chịu mức án như thế nào? Tôi xin cảm ơn quý luật sư rất nhiều!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 22 BLHS 2015 có quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Trường hợp này, ông T có hành vi đánh L đã phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của L. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì phòng vệ chính đáng đòi hỏi sự chống trả lại một cách cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi tấn công trong trường hợp cụ thể. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có quá giới hạn phòng vệ hay không phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng, cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ, hoàn cảnh xảy ra sự việc…

Trong trường hợp của bạn, việc L có thuộc trường hợp phòng vệ chính đang hay không phụ thuộc vào từng tình tiết cụ thể. Với những thông tin bạn cung cấp thì L có thể phạm vào tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 126 BLHS 2015:

“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”

Về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, người việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, L còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định đã nêu trên.

---

3. Giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi tư vấn:

Em có một người em họ tên A ( giới tính Nam). A hiện đang sinh sống tại tỉnh Bến Tre. Ba ngày trước, A nhận được cuộc gọi từ một người em họ. Trong điện thoại, người em kia nói rằng hiện đang bị một số thanh niên địa phương chặn đường hâm doạ nên không thể đến trường, mong rằng A có thể đến giải hoà.Sau đó, A cùng người em kia đến một địa điểm mà những thanh niên hay tụ tập, với mục đích hoà giải.

Nhưng khi vừa đến, chưa kịp xuống xe, thì đám thanh niên kia đã mang hung khí ào đến, khiến A và đứa em hoảng hốt bỏ xe chạy bộ. A chạy lại nhà nội gần ở đó, nhưng không có ai ở nhà. Tiếp đến A chạy thêm một quãng đường thì đến được nhà bác H. A gọi nhưng vẫn không có ở nhà. Trong quá trình chạy, A liên tục kêu cứu những người xung quanh nhưng không được sự hỗ trợ, trong khi đám thanh niên rất hung hăng và có mang theo vũ khí như dao, mã tấu, gậy đuổi cận kề. A nhìn thấy một cây kéo nhọn trên bàn, phía trước nhà của bác H, A cầm lấy thì đám thanh niên kia đuổi kịp. A chống trả trong vô thức với mục đích tự vệ và sống sót. Trong quá trình đó, cây kéo của A cầm trong tay đã vô tình gây ra thương tích cho một thanh niên. Sau khi chống trả được một khoảng thời gian ngắn, A chạy thoát và trốn vào nhà của một người quen. Thanh niên bị thương được đưa đến bệnh viện và tử vong ngay sau đó. Công an vào cuộc, khám nghiệm tử thi và tiến hành lấy lời khai những người xung quanh và bắt giam A ngay trong đêm. Lúc A chạy thoát, A vẫn chưa hay biết rằng có một thanh niên đã bị thương, càng không biết được đã có người chết do mình gây ra. Nên khi bị công an bắt, A không hề trốn chạy.

Thông tin bổ sung:Qua khám nghiệm tử thi, thanh niên tử vong bị đâm 2 nhát bằng kéo. A hiện được 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tá túc tại nhà bà ngoại. A có một người chị ruột 21 tuổi.Gia đình bị hại có đưa đơn mong muốn A nhận án tử hình.

Vậy em xin Anh/Chị tư vấn:Mức án tối đa mà A phải nhận.Mức tiền phải bồi thường cho gia đình người bị hại.Ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường trong lúc A đang chấp hành án phạt. Trong trường hợp cả cha, mẹ của A đã chết.Và có thể làm những gì để giảm nhẹ hình phạt cho A.  Em xin chân thành cám ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng về hành vi của A tại thời điểm xảy ra vụ việc là như thế nào nên chúng tôi không thể đưa ra chính xác tội danh cũng như mức án tối đa phải gánh chịu. Tuy nhiên, từ dữ liệu trên có trường hợp sẽ xảy ra:

Thứ nhất về tội danh và hình phạt

+ Trường hợp 1, thời điểm A chạy trước sự truy đuổi hung hăng của nhóm côn đồ với nhiều hung khí như dao, mã tấu...Trước việc tính mạng mình có thể bị xâm phạm thì để bảo vệ bản thân thì A  đã tự vệ chống trả trong vô thức, không thể nhận thấy trước hậu quả việc mình dùng kéo để chống trả lại nhưng không may lại gây thương tích cho đối tượng dẫn tới tử vong thì A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 126, Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể:

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

+ Trường hợp 2, trong khi A dùng dao để chống trả nhóm côn đồ nhận thức rõ việc mình thực hiện có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thấy trước được hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện dẫn tới đối tượng chết thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh giết người theo Điều 123, Bộ luật này:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

...

- Thứ hai, tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo như bạn cung cấp thì A đã đủ 16 tuổi nên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật hình sự:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

 

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

…”.

- Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại 

Cần xác định yếu tố lỗi trong trường hợp này là do A hay do đối tượng trên hoặc lỗi cả hai để xác định trách nhiệm bồi thường và thông thường do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Theo đó, tính mạng bị xâm phạm thì chi phí gồm:

 Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Khi xác định A có phần lỗi thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự vì vấn đề này sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của A, cụ thể bạn có thể căn cứ vào quy định sau::

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo