Đinh Thị Minh Nguyệt

Giấy tờ cần thiết để đăng ký luật sư bào chữa?

Bào chữa là việc dùng lý lẽ, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội. Dựa vào khái niệm về bào chữa, chúng ta có thể hiểu bào chữa chỉ xảy ra trong lĩnh vực hình sự, để bào chữa cho một hành vi có dấu hiệu phạm tội của người bị buộc tội. Thủ tục đăng ký bào chữa được quy định tại BLTTHS 2015.

1. Người bào chữa là gì? Ai có thể làm người bào chữa?

Điều 72 BLTTHS 2015 quy định về người bào chữa như sau:

Điều 72. Người bào chữa

1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.”

Như vậy, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Vậy người bị buộc tội gồm những ai? Theo điểm d khoản 1 ĐIều 4 BLTTHS, người bị buộc tội gồm:

  • Người bị bắt: bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người tự thú, đầu thú, người bị bắt theo quyết định truy nã;
  • Người bị tạm giữ: là người chưa bị khởi tố nhưng bị tình nghi có liên quan đến tội phạm nên bị tạm giữ để xác minh, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
  • Bị can: là người đã bị khởi tố bị can;
  • Bị cáo: là người đã bị tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Như vậy những người này có quyền mời luật sư làm người bào chữa.

Người bào chữa có thể là Luật sư/người đại diện của người bị buộc tội/bào chữa viên nhân dân/trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp được trợ giúp pháp lý:

  • Nếu người bị buộc tội là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận thì các tổ chức này sẽ cử bào chữa viên nhân dân tham gia bào chữa.
  • Nếu người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý 2017 (những đối tượng yếu thế như trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi khó khăn về tài chính...) thì sẽ được trung tâm trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên cần lưu ý, khi lựa chọn người bào chữa thì người bào chữa phải không được là những người sau (Khoản 4 Điều 72):

  • Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
  • Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau, do đó nếu quyền và lợi ích của họ đối lập thì không thể đăng ký bào chữa cho cả hai người. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội. Tuy nhiên trên thực tế nhiều tòa án vẫn không cho phép bào chữa cho 2, 3 bị cáo là đồng phạm với nhau mà yêu cầu mỗi luật sư chỉ được bào chữa cho một bị cáo, thậm chí luật sư bào chữa không được cùng một công ty để tránh việc xung đột về quyền lợi, thông cung, nhận tội thay giữa các đồng phạm.

2. Thời điểm nào người bào chữa được tham gia tố tụng?

Điều 74 BLTTHS 2015 quy định thời điểm luật sư được phép tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa như sau:

Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”

Như vậy, thời điểm luật sư được tham gia tố tụng gồm:

  • Từ khi có quyết định khởi tố bị can;
  • Đối với trường hợp thân chủ bị bắt, bị tạm giữ thì dù chưa khởi tố bị can nhưng trường hợp này người bào chữa vẫn được tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
  • Tham gia từ khi kết thúc điều tra nếu thuộc trường hợp cần giữ bí mật.

Như vậy, người bào chữa được tham gia tố tụng ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can, bắt đầu có hoạt động hỏi cung, hoặc dù chưa có quyết định khởi tố bị can nhưng thuộc trường hợp bắt, tạm giữ. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu mới có quyết định khởi tố vụ án mà chưa có quyết định khởi tố bị can, thì họ chưa phải bị can, đồng thời họ cũng không thuộc trường hợp bị bắt, bị tạm giữ thì luật sư vẫn chưa được tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, do đó chưa làm được thủ tục đăng ký bào chữa cho họ. Tuy nhiên lúc này luật sư vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và của đương sự khác quy định tại Điều 83, 84 BLTTHS:

Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:

a) Luật sư;

b) Bào chữa viên nhân dân;

c) Người đại diện;

d) Trợ giúp viên pháp lý.”

“Điều 84. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý.”

Như vậy ngay ở giai đoạn bị tố giác thì người dân đã có thể nhờ luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lúc này luật sư có thể tham gia một số hoạt động như đi cùng thân chủ tham gia hoạt động lấy lời khai, đối chất,… quy định tại Điều 83 BLTTHS.

Nếu như một cá nhân đã gặp phải một vấn đề về pháp lý như bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc bản thân có một số dấu hiệu liên quan trong một vụ án hình sự, thì nên mời luật sư tham gia ngay từ ban đầu, từ những buổi làm việc đầu tiên. Bởi lẽ những buổi lấy lời khai đầu tiên rất quan trọng, nếu trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung, đối chất và các hoạt động điều tra khác có sự tham dự của luật sư ít nhất sẽ làm giảm tâm lý bồn chồn, lo sợ, áp lực cho bị can, bị can được luật sư phổ biến rõ ràng hơn về việc mình có những quyền gì và nghĩa vụ gì, đảm bảo hơn việc không có vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, điều tra viên thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp có sai phạm trong quá trình tố tụng. Khi luật sư tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu sẽ có quyền được thực hiện một số hoạt động được quy định tại Điều 73 BLTTHS, từ đó đảm bảo được quyền lợi cho thân chủ hơn, tránh họ lâm vào những vấn đề khó khăn.

3. Các trường hợp đăng ký bào chữa

Có hai trường hợp đăng ký bào chữa là người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định, cụ thể như sau:

  • Bị can trong quá trình tạm giữ tạm giam có yêu cầu luật sư bảo vệ trong quá trình điều tra thì làm đơn yêu cầu luật sư làm thủ tục đăng ký bào chữa để luật sư tiếp cận được hồ sơ vụ án và tiếp cận được thân chủ.

  • Đối với vụ án hình sự nhưng người bị buộc tội là trẻ vị thành niên, hoặc là vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo khoản 1 Điều 76, bắt buộc phải có luật sư tham gia thì điều tra viên mới có thể lấy lời khai về tố tụng.

Các trường hợp chỉ định người bào chữa bắt buộc gồm:

Điều 76. Chỉ định người bào chữa

1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.”

Như vậy, nếu rơi vào các trường hợp bào chữa chỉ định thì bắt buộc phải có luật sư - người bào chữa. Gồm trường hợp bị khởi tố, truy tố đối với tội có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm, chung thân, tử hình; hoặc là vụ án có bị can, bị cáo là những người dưới 18 tuổi, những người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa.

4. Những người có quyền mời luật sư

Trong lĩnh vực hình sự, trong một vụ án cụ thể, không phải ai cũng có quyền mời luật sư. Theo khoản 1 Điều 75 BLTTHS, “người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”.

Do đó, trong quá trình tạm giam, tạm giữ, người bị buộc tội có quyền mời luật sư bào chữa cho mình. Tuy nhiên nếu họ đang bị tạm giam, không được tại ngoại do đó không thể trực tiếp đến gặp luật sư thì người thân thích sẽ là người yêu cầu luật sư bào chữa.

Như vậy không giống như lĩnh vực dân sự, lĩnh vực hình sự chỉ có người bị buộc tội (người bị giữ, người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo) và người thân thích của người bị buộc tội mới có quyền mời luật sư. Nếu không phải người thân thích của bị can thì không thể thực hiện được thủ tục mời luật sư để bào chữa cho người bị buộc tội.

Vậy người thân thích của bị can, bị cáo gồm những ai? điểm e khoản 1 Điều 4 BLTTHS có quy định về người thân thích của người tham gia tố tụng như sau:

“e) Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Theo đó, người thân thích của bị can, bị cáo gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, cụ nội, cụ ngoại (trong vòng 3 đời) (nếu là vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn). Như vậy, người thân thích được xác định thông qua quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Chỉ có những người này mới có quyền nhờ luật sư để bào chữa bảo vệ cho người bị buộc tội. Cho nên, mặc dù có những người là bạn bè thân thiết với bị can, bị cáo nhưng họ cũng không thể đi mời luật sư mà cần tìm đến một người thân thích để họ làm đơn mời luật sư.

5. Thủ tục đăng ký bào chữa

Theo Điều 78 BLTTHS, khi đăng ký bào chữa, Luật sư cần chuẩn bị:

1. Giấy yêu cầu luật sư;

Giấy yêu cầu luật sư có thể do người bị buộc tội (thân chủ) hoặc người thân thích ký giấy yêu cầu luật sư.

2. Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư;

3. Thẻ luật sư;

4. Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Khi làm thủ tục tham gia vào giai đoạn điều tra, nếu bị can/bị cáo bị tạm giam, không được tại ngoại do đó không trực tiếp yêu cầu luật sư, không trực tiếp ký vào giấy yêu cầu luật sư được, mà người thân thích yêu cầu luật sư và ký vào giấy yêu cầu luật sư thì sau đó cần có thêm ý kiến đồng ý của bị can, bị cáo trong giấy yêu cầu luật sư này.

Đối với trường hợp chỉ định người bào chữa thì Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân.

Nộp hồ sơ đăng ký bào chữa tại cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án (gửi cơ quan điều tra khi đang trong giai đoạn điều tra, gửi viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố, gửi tòa án trong giai đoạn xét xử). Sau khi nhận đủ hồ sơ, xác nhận hồ sơ hợp lệ và thuộc trường hợp được đăng ký bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành Thông báo đăng ký bào chữa.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn