Giao dịch liên quan đến tài sản của người bị mất năng lực hành vi dân sự
1. Luật sư tư vấn về pháp luật dân sự
Năng lực hành vi dân sự là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Người chỉ được coi là bị mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định tuyên bố của Tòa án. Khi một cá nhân đã bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tự mình tham gia các giao dịch dân sự mà bắt buộc phải được thực hiện bởi người giám hộ hợp pháp của người này.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người mất năng lực hành vi dân sự cũng như tránh trường hợp người giám hộ lợi dụng việc người mất năng lực hành vi dân sự không nhận thức, quản lý được tài sản của mình mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nên các giao dịch dân sự về tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện vì lợi ích của người đó và cần có sự đồng ý của người giám sát. Các giao dịch về việc tặng cho tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự cho người khác hay việc chuyển giao quyền sở hữu giữa người giám hộ và người được giám hộ bị vô hiệu.
2. Tư vấn về giao dịch liên quan đến tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự
Câu hỏi: Tôi có một vấn đề thắc mắc xin quý luật sư giúp tôi giải đáp. Bà nội tôi mất có để lại một miếng đất. Khi bà mất không để lại di chúc gì. Ba mẹ tôi thì không có giấy đăng kí kế hôn và sinh được 2 con là tôi và em gái tôi. Sau khi sinh em gái tôi thì ba tôi bị bệnh tâm thần rồi mẹ tôi đã bỏ đi và lập một gia đình riêng và có một đứa con gái với người chồng sau.
Trong sổ hộ khẩu thì chỉ có tên bà nội tôi, ba tôi và tôi còn tên em gái ,mẹ tôi thì không có. Nay tôi muốn bán lô đất này thì mẹ tôi và em gái tôi có quyền kiện tôi không? nếu có quyền kiện thì ai là người có quyền kiện tôi? Nếu tôi vẫn quyết tâmbán thì phải làm các thủ tục nào và phải chia phần cho nhưng ai ? Mong quý luật sư giúp tôi giải quyết thắc mắc này. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bà bạn mất không có di chúc do đó phần di sản của bà bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, theo quy định trên thì hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn bố bạn và chỉ được chuyển cho hàng thừa kế sau nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước theo quy định tại khoản 3 điều này.
Tuy nhiên, do bố bạn bị tâm thần không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do đó trường hợp này các giao dịch liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bố bạn phải có người giám hộ.
Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”
Với trường hợp của bạn do bố mẹ bạn không đăng ký kết hôn nên nếu bố mẹ bạn chung sống sau năm 1987 mà không đăng ký kết hôn thì bố mẹ bạn không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Do vậy, mẹ bạn không thể trở thành người giám hộ cho bố bạn. Khi đó, bạn là con cả thì sẽ trở thành người giám hộ cho bố mình.
Điều 59 Bộ luật dân sự quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
“1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.”
Do vậy trong trường hợp này chỉ khi bạn là người giám hộ của bố bạn thì mới có thể thực hiện giao dịch tức là thực hiện việc mua bán tài sản mảnh đất này nếu giao dịch này liên quan đến lợi ích của người được giám hộ tức là bố bạn và cần có sự đồng ý của người giám sát. Bạn không có quyền chia phần hay tặng cho ai vì theo quy định của pháp luật bạn chỉ có quyền quản lí.
Về thủ tục chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp này thì yêu cầu thiết là phải có căn cứ để chứng minh việc bạn là người giám hộ của bố bạn và phải có người giám sát việc giám hộ này. Sau đó bạn có thể thực hiện giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất của người bị mất năng lực hành vi dân sự. Về thủ tục cụ thể bạn có thể liên hệ cơ quan công chứng nơi có đất để được hướng dẫn cụ thể thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất