Luật sư Vũ Đức Thịnh

Giành lại quyền nuôi con khi ông bà ngăn cản thăm nom, chăm sóc thế nào?

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp ông bà nội tranh giành quyền nuôi cháu và ngăn cản bố về việc thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn như sau: Nội dung hỏi: Xin chào luật sư ! nội dung như sau: tôi lấy vợ năm 2008 đến 2010 thì sinh được 1 đứa con gái. Vì không hạnh phúc nên vợ chồng tôi ly dị năm 2012.

Vợ tôi được quyền nuôi con nhưng vợ tôi lại không nuôi con mà đi theo người đàn ông mới. Đến nay không rõ tung tích. Tôi và gia đình gồm cha và mẹ tôi cùng nuôi dưỡng cháu tại nhà cha mẹ tôi. Vì tôi chưa có nhà riêng.

Đến tháng 10 năm 2014 vì xích mích gia đình mà cha mẹ tôi đuổi tôi khỏi nhà và không cho tôi mang con theo, giành lại cho bằng được. Tôi ra ngoài thuê nhà ở với vợ tôi, quen nhau 2 năm chưa có hôn thú. Tôi thường xuyên về thăm con nhưng cha mẹ tôi lại ngăn cản không cho tôi dẫn cháu đi chơi, đi ăn, … Ông bà còn nói với cháu là nếu đi với tôi thì sẽ bị tôi đem đi bán, nói với cháu tôi bỏ cháu theo gái, cháu là đứa mồ côi bị cha mẹ bỏ… Làm cho con tôi rất sợ tôi khi tôi có ý định chở cháu đi chơi. Và tôi muốn tách hộ khẩu riêng cùng địa chỉ nhưng cha mẹ tôi lại từ chối không chấp thuận, không cho mượn hộ khẩu để làm bất kì giấy tờ nào khác.
Xin luật sư xem tôi làm thế nào để giành lại quyền công dân hợp pháp của mình. xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Như vậy, theo quy định trên, chỉ khi có sự thỏa thuận và yêu cầu của vợ chồng bạn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì Tòa án có thẩm quyền có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Ông bà chỉ được quyền nuôi con khi Tòa nhận thấy bố mẹ không đủ điều kiện thì sẽ căn cứ vào các điều kiện của người thân thích khác để quyết định người trực tiếp nuôi con.

Bố mẹ bạn (ông bà nội) sẽ không có quyền giành quyền nuôi con với bạn khi chưa có quyết định của Tòa án về việc họ là người trực tiếp nuôi con.

Trường hợp bố mẹ bạn cố tình giữ con bạn, ngăn cản bạn về việc chăm sóc con bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con đến Tòa án nhân dân nơi bố mẹ bạn đang thường trú để được giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giành lại quyền nuôi con khi ông bà ngăn cản thăm nom, chăm sóc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo