LS Trần Liên

Mua hàng và giao hàng qua mạng có tranh chấp giải quyết thế nào?

Tôi muốn hỏi một vài vấn đề tranh chấp khi sử dụng dịch vụ mua hàng và giao hàng qua mạng mong cty tư vấn ngày 20/11 tôi có đặt mua hàng online và nhờ cty A mua hộ. Khi mua tôi đã gửi link và hình ảnh sản phẩm đến ngày10/12 khi nhận được hàng tôi đã kiểm tra và phát hiện hàng không đúng link sản phẩm.

Khi tôi khiếu nại cty A nói rằng chỉ mua theo link sản phẩm đúng hay sai sản phẩm họ không chịu trách nhiệm, nhưng khi tôi đưa bằng chứng rằng họ ko mua đúng link sản phẩm tôi gửi thì họ nói có ko có hợp đồng 2 bên tôi không có bằng chứng để bắt họ bồi thường, muốn trả lại hàng tôi phải chịu phí vận chuyển 5tr sang nước mua hàng. Nếu bây giờ tôi khởi kiện liệu rằng có cơ sở không? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau:

“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

Theo đó, quyền của bên sử dụng dịch vụ được quy định tại Điều 516 như sau:

“1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Khoản 1 Điều 517 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ như sau:

“1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.”

Theo bạn trình bày, do đặt hàng trên mạng internet nhưng bên bán không gửi hàng trực tiếp về Việt Nam nên bạn đã thỏa thuận hợp đồng dịch vụ với Công ty A để đơn vị này mua hộ hàng hóa. Vậy nên giữa các bên hình thành một thỏa thuận: Công ty A được bạn ủy thác, tự nhân danh chính mình mua hàng hóa từ nước ngoài rồi bàn giao lại cho bạn và được nhận thù lao.

Căn cứ Điều 513, Điều 516 và Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 thì Công ty A có nghĩa vụ mua đúng hàng theo thỏa thuận của các bên “hàng theo đường dẫn bạn cung cấp”, giao cho  bạn và được nhận tiền thù lao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty A đã không mua được hàng theo đúng đường dẫn  bạn cung cấp nên hành vi trên là vi phạm hợp đồng. Bạn có quyền yêu cầu đơn vị này tiếp tục thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại nếu gây ra thiệt hại.

Bạn có quyền trực tiếp thỏa thuận với Công ty A hoặc gửi đơn khởi kiện tới TAND quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết, căn cứ Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì  bạn có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.

Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:

“1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.

Đối với vụ việc trên, trường hợp không có hợp đồng dịch vụ nhưng bạn vẫn cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình thì vẫn được TAND chấp thuận. Thí dụ: các nội dung trao đổi qua lại được ghi âm, ghi hình, lập biên bản, hoặc các tài liệu trích từ các phương tiện điện tử, lời khai của các bên trong quá trình làm việc tại TAND,... có thể làm rõ được nội dung thỏa thuận của các bên và chứng minh được Công ty A vi phạm hợp đồng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn