LS Vy Huyền

Giải quyết chồng muốn chuyển toàn bộ tài sản cho vợ sau khi ly hôn như thế nào?

Cho em hỏi: em và chồng cưới nhau gần hai năm, nhưng cuộc sốn vợ chồng không được hạnh phúc. Hiện tại em đang mang thai được 8 tháng, em muốn yêu cầu li hôn và anh đã đồng ý. Nhưng tài sản điều đứng tên anh hết và anh cũng chấp nhận để laị tất cả tài sản đó cho mẹ con em. Nếu được thì tất cả tài sản đó có phải làm thủ tục chuyển sang tên em hay không? Mỗi tháng anh có cần phải cấp dưỡng cho mẹ con em nữa không?

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Cho em hỏi: em và chồng cưới nhau gần hai năm, nhưng cuộc sốn vợ chồng không được hạnh phúc thường hay cãi nhau, anh hay đi sớm về muộn, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Hiện tại em đang mang thai được 8 tháng, em muốn yêu cầu li hôn và anh đã đồng ý. Nhưng tài sản điều đứng tên anh hết và anh cũng chấp nhận để laị tất cả tài sản đó cho mẹ con em. Anh sẽ ra đi với hai bàn tay trắng và anh sẽ thay mẹ con em trả số nợ ngân hàng là 800 triệu đồng .

Luật sư cho em hỏi việc phân chia tài sản như vậy có được không ? Nếu được thì tất cả tài sản đó có phải làm thủ tục chuyển sang tên em hay không? Mỗi tháng anh có cần phải cấp dưỡng cho mẹ con em nữa không? Em xin cảm ơn. 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc thỏa thuận chia tài sản khi ly hôn:

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 59 về Nguyên tắc giải quyết của vợ chồng khi ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Đối với trường hợp này của bạn, khi ly hôn thì tài sản của vợ chồng sẽ được giải quyết theo sự thỏa thuận, trừ trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ tính đến các yếu tố khác theo luật định. Đối với trường hợp này chồng bạn và bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận chuyển giao toàn bộ số tài sản chung của vợ chồng sang cho bạn. Tuy nhiên, do ở đây bạn chưa nói rõ ngoài những tài sản chung của vợ chồng bạn được tạo lập, tặng cho trong thời kỳ hôn nhân thì còn có những tài sản riêng khác của chồng bạn hay không. Do đó đối với trường hợp của bạn sẽ giải quyết như sau:

Thứ nhất là đối với tài sản là tài sản chung của 2 vợ chồng:

Căn cứ theo Điều 38 về Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp này, bạn và chồng bạn sẽ thỏa thuận việc chuyển giao toàn bộ sản chung của 2 vợ chồng sang cho bạn phải lập thành văn bản và phải có công chứng chứng thực để văn bản thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật.  Sau đó nộp kèm theo văn bản thỏa thuận lên tòa án để Tòa án xem xét và giải quyết. Khi đã được công chứng thì văn bản thỏa thuận có hiệu lực pháp luật và chồng bạn cũng sẽ không có quyền lợi đối những tài sản đó nữa.

Thứ hai là đối với tản sản là tài sản riêng của chồng bạn. Trong trường này, chồng bạn cần phải làm hợp đồng tặng cho đối với tài sản riêng của chồng bạn cho bạn  ví dụ như  nhà ở, đất, xe ô tô… và phải đem ra công chứng chứng thực để hợp đồng tặng cho đó có hiệu lực pháp luật. Sau đó bạn sẽ làm thủ tục sang tên để bạn làm chủ sở hữu đứng tên trên giấy tờ của những tài sản đó.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn:

Căn cứ Điều 82 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định như

sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Đối với trường hợp này, do chồng bạn là người không trực tiếp nuôi con cho nên chồng bạn phải có có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn cho đến khi con bạn đủ 18 tuổi. Trong trường hợp này bạn với chồng bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng là bao nhiêu và hai bên đồng ý với mức cấp dưỡng đó là được. Tuy nhiên, nếu như hai bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết giúp bạn về mức cấp dưỡng. Và mức cấp dưỡng là bao nhiêu thì phải phụ thuộc vào yếu tố khả năng kinh tế của chồng bạn như thế nào để Tòa đưa ra mức cấp dưỡng phù hợp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo