LS Vũ Thảo

Giải đáp thắc mắc về thi hành án dân sự?

Chào luật sư: Năm 2008 vợ tôi kinh doanh mua bán nông sản nhưng thua lỗ nên cơ quan thi hành án phát mãi tài sản nhà cửa,kho tàng để trả tiền cho các chủ nợ. Nhưng sau khi bán đấu giá tài sản lấy tiền chia cho các chủ nợ xong tôi thấy một số vấn đề không rõ ràng nên mong luật sư tư vấn giúp tôi.

 

Khi hòa giải thành xong thì cơ quan thi hành án thành lập tổ liên ngành xuống kê biên phát mãi để bán đấu giá tài sản thì chúng tôi đồng ý hợp tác, vậy tại sao cơ quan thi hành án dân sự huyện lập biên bản ghi là cưỡng chế. 

Tiền bán đấu giá tài sản sản sau khi trừ chi phí cưỡng chế,trả các chủ nợ,tiền thuế trước bạ,vẫn còn lại hơn 13 triệu được ghi trên giấy là tiền trả nợ công dân. nhưng không chia cho các chủ nợ. 

Tiền nộp thuế trước bạ hơn 122 triệu nhưng không cho chúng tôi hóa đơn, mà chỉ có ghi trên phương án phân phối tiền bán tài sản để thi hành án. Khi bán đấu giá tài sản để trả các chủ nợ,từ đó đến nay chúng tôi vẫn phải thuê nhà để ở và cho các cháu đi học,nhưng cơ quan thi hành án không cho chúng tôi một phần chi phí hỗ trỡ ban đầu để thuê nhà cửa. Như vậy có đúng không? Dù là kê biên phát mãi nhưng mọi thứ hóa đơn chứng từ phải đầy đủ và cho cho các bên cùng lưu giữ có đúng vậy không a. Rất mong luật sư trả lời chỉ dẫn giúp a. 

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề cưỡng chế thi hành án:

 

Theo quy định tại Điều 45, 46 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

 

Như vậy, nếu bạn tự nguyện thi hành án trong 10 ngày kể từ ngày bạn nhận được quyết định thi hành án hoặc thông báo hợp lệ quyết định thi hành án thì CQTHA lập biên bản tự nguyện thi hành án. Trường hợp quá 10 ngày gia đình bạn không tự nguyện thi hành án thì CQTHA sẽ tiến hành cưỡng chế và lập biên bản cưỡng chế THA. Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đồng ý hợp tác để chấp hành viên kê biên phát mãi bán đấu giá tài sản, theo đó việc cơ quan thi hành án lập biên bản cưỡng chế là chưa phù hợp với quy định pháp luât.

 

Thứ hai, về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án:

 

Căn cứ Điều 47 Luật THADS 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án như sau:

 

"1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;

 

b) Án phí, lệ phí Tòa án;

 

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

 

2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

 

a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

 

b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;

 

c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

….”

 

Và Điều 115 Luật THADS 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định:

 

“5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.”

 

Theo quy định trên, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền Chấp hành viên trích lại để người phải thi hành án thuê nhà theo Điều 115 thì số tiền thi hành án còn lại được chi trả cho tiền lương, tiền công lao động…; án phí, lệ phí Tòa án; các khoản khác theo bản án, quyết định của Tòa án. Sau khi thanh toán các khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

 

Như vậy, nếu sau khi thanh toán xong các nghĩa vụ thi hành án mà còn thừa 13 triệu thì số tiền này chấp hành viên sẽ trả lại cho gia đình bạn. Tuy nhiên trong biên bản thi hành án ghi nhận số tiền này không được trả cho chủ nợ và là tiền trả nợ công dân thì bạn cần làm rõ với CQTHA khoản nợ công dân mà gia đình cần trả là gì? Khoản nợ này có được ghi nhận trong quyết định thi hành án không? Nếu là nghĩa vụ thi hành án thì gia đình bạn phải nộp cho CQTHA, trường hợp không được ghi nhận trong quyết định THA cũng như không phải nghĩa vụ THA thì chấp hành viên phải trả lại cho bạn số tiền 13 triệu này.  

 

Về chi phí hỗ trợ thuê nhà ở: Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn đang phải thuê nhà để ở và không được hỗ trợ chi phí ban đầu để thuê nhà. Quy định tại Điều 115, điều kiện để gia đình bạn được trích lại số tiền bán tài sản để thuê nhà là sau khi thanh toán các nghĩa vụ thi hành án mà gia đình bạn không còn đủ tiền để thuê nhà thì lúc này Chấp hành viên sẽ trích lại một khoản cho gia đình bạn. Tuy nhiên thực tế sau khi thanh toán hết nghĩa vụ thi hành án gia đình bạn vẫn có khả năng để thuê nhà, do đó gia đình bạn không được xem xét để có một khoản hỗ trợ chi phí thuê nhà là phù hợp với quy định pháp luật.

 

Thứ ba, về hóa đơn, chứng từ của CQTHA:

 

Theo Công văn 79214/CT-TTHT trường hợp tài sản trước khi đấu giá vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn thì bạn sẽ phải lập hóa đơn khi bán đấu giá tài sản đó và phải kê khai, nộp thuế phát sinh từ việc bán tài sản theo quy định. Nếu bạn không thực hiện lập hóa đơn khi bán đấu giá tài sản thì CQTHA lập hóa đơn cho tài sản đấu giá để thi hành án. Cơ quan thuế thực hiện cấp đơn lẻ cho CQTHA để lập hóa đơn giao cho người mua theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế GTGT được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp hóa đơn GTGT để giao cho người mua. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm nộp các khoản thuế GTGT, TNDN phát sinh vào NSNN từ việc bán tài sản do mình lập hóa đơn theo quy định.

 

- Trường hợp quyền sở hữu trước khi đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao lập hóa đơn cho người trúng đấu giá.

 

Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, nên bạn có thể căn cứ vào từng trường hợp trên để xem xét và yêu cầu được cấp hóa đơn nếu thuộc trường hợp được cấp.

 

Về bảng kê phân phối tiền bán tài sản để thi hành án mà CQTHA đã lập thì theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC, bản chất đây là một chứng từ do Chấp hành viên lập để phân phối số tiền thu về bán tài sản thi hành án theo Quyết định thi hành án, làm căn cứ kết chuyển từ bên Nợ TK 3365 “Tiền bán tài sản để thi hành án” sang bên Có các tài khoản có liên quan đến việc xử lý tiền bán tài sản thi hành án. Nếu bạn không thuộc trường hợp được cấp hóa đơn thì việc CQTHA lập chứng từ (bảng kê phân phối tiền bán tài sản để thi hành án) là phù hợp quy định pháp luật

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vũ Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo