Mạc Thu Trang

Giá trị pháp lý của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

Luật sư tư vấn về vấn đề gia đình tôi lập biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, nay mẹ tôi muốn làm thủ tục tách sổ thì một trong những người được nhận không đồng ý. Vậy văn bản thỏa thuận đó có giá trị pháp lý không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Ông bà tôi có mảnh đất nhà ở mang tên ông tôi. Ông bà có 7 người con 4 trai 3 gái. Ông tôi mất bà tôi cho họp gia đình có đầy đủ 7 người con và chia mảnh đất đang ở làm 3 phần theo chiều dọc ngoảnh ra ngõ và được sự nhất chí của các con chia cho 3 người 2 con trai 1 con gái. Và đã lập biên bản có chữ kí đầy đủ của các con và bà tôi và có dấu xác nhận của uỷ ban nhân dân xã. Nay mẹ tôi muốn xây nhà và làm thủ tục tách sổ đỏ thì 1 người trong số 3 người được chia không đồng ý chia dọc nữa mà muốn chia ngang nếu không sẽ không đưa chứng minh nhân dân để làm thủ tục tách sổ. Vậy luật sư cho tôi hỏi miếng đất đã chia theo biên bản đó có được công nhận không? Và miếng đất đã chia đó đã thuộc về mẹ tôi chưa? Và mẹ tôi có làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đã chia không? Và nếu được thì làm cách nào trong khi 3 người con được chia đất trong đó giơ 1 người không đồng ý và không đưa giấy tờ để làm thủ tục tách sổ đỏ? Rất mong được sự giúp đỡ của các luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/ NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm:

 

"h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này."

 

Theo đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế khi đã có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã thì đã có giá trị pháp lý. Do vậy, có thể căn cứ vào đó để phân chia di sản thừa kế đã thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình. 

 

Người hiện đang quản lý di sản có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 617 Bộ luật Dân sự 2015: "Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

 

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;

 

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

 

c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

 

d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế."

 

Nếu có một người hiện tại không đồng ý với vấn đề chia di sản đã thỏa thuận và không giao giấy tờ để thực hiện việc chuyển nhượng theo văn bản đã thỏa thuận thì những người có quyền lợi liên quan có thể khởi kiện để yêu cầu thực hiện theo đúng những nội dung đã thỏa thuận trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo