Phạm Diệu

Giả mạo toàn bộ giấy tờ và chữ ký để bán nhà và bỏ trốn

Luật sư tư vấn về trường hợp người họ hàng tự ý giả mạo toàn bộ giấy tờ và chữ ký để thực hiện việc bán nhà, sau đó bỏ trốn. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi Đoàn Luật Sư, (Công Ty Minh Gia) trước hết cho tôi gửi lời thăm hỏi Quý Mến đến Đoàn Luật sư Công Ty Minh Gia nhiều sức khỏe. Tôi xin tóm tắt sơ lược ngắn gọn nội dung cho Luật Sư biết. Bố của tôi mất có để lại căn nhà cho Mẹ và các con ở, vì tin tưởng họ hàng và là con của người Bác ruột. Tôi đã bỏ tiền ra xây sửa căn nhà này và có cho Bà D ở và trông coi căn nhà này. Tôi có đưa khoảng 50 triệu đồng Việt Nam cho bà ta làm “sổ Hồng”, và sau nhiều lần tôi có phone hỏi cho tôi xem “sổ Hồng” nhưng bà ta trả lời là “chưa lám xong”. Trong tháng 4/2017 bà ta tự ý giả mạo toàn bộ giấy tờ và chữ ký của các giấy tờ liên quan đến căn nhà, và tháng 5/2017 tôi trở về Việt Nam và đã phát hiện bà ta đã bán căn nhà này và ôm toàn bộ giấy tờ với “sổ hồng” và tất cả toàn bộ số tiền bán nhà của tôi. Tôi có hỏi hàng xóm thì được biết bà ta đã dọn đi ban đêm và bỏ trốn được 3 tuần rồi, nhưng may mắn chúng tôi đã truy tìm được địa chỉ bà ta đang ở tại Quận A Theo sự việc như vậy. chúng tôi phải làm gì ? và rất mong sự giúp đỡ của Luật Sư tư vấn cho chúng tôi biết theo Luật Pháp ở Việt Nam chúng tôi phải làm như thế nào ? Chúng tôi là người ở nước ngoài, không thông hiểu Luật Lệ. Nay chúng tôi tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ của Quý Luật Sư . Chúng tôi chân thành cám ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

 

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

Điều 122 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

 

Tại Điều 500 Bộ luật dân sự 2015 có quy định hợp đồng về quyền sử dụng đất:

 

“Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.”

 

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở 2014 quy định điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở như sau:

 

“1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:

 

a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

 

b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.”

 

Theo như thông tin anh/chị cho biết, người họ hàng đã tự ý giả mạo toàn bộ giấy tờ và chữ của các giấy tờ liên quan đến căn nhà và thực hiện việc bán căn nhà. Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, hợp đồng chuyển nhượng giữa người họ hàng và bên mua không đảm bảo các điều kiện về mặt chủ thể theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Nhà ở, bản chất chính là hợp đồng giả tạo nên không có giá trị pháp lý.

 

Trường hợp bên mua đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã sử dụng hợp đồng giả tạo này làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở thì việc cấp giấy chứng nhận này là trái quy định của pháp luật, anh/chị có thể khiếu nại đến chính cơ quan đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó và yêu cầu thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận này.

 

Trường hợp nếu bên mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các bên có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì anh/chị có quyền khởi kiện ra Tòa án để hủy bỏ hợp đồng giả tạo đó hoặc tuyên hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Vì hợp đồng chuyển nhượng đó không có giá trị pháp lý nên đương nhiên quyền sử dụng đất và căn nhà vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình anh/chị, bên mua không có căn cứ để yêu cầu anh/chị giao nhà.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn