Nguyễn Nhàn

Gây thương tích cho người khác bị xử lý thế nào?

Hành vi gây thương tích cho người khác tùy vào mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị xử lý hình sự. Vậy mức phạt hành chính và mức xử lý hình sự cụ thể như thế nào? Qua bài viết dưới đây Luật Minh Gia tư vấn quy định cụ thể về vấn đề này để khách hàng tham khảo, trang bị thêm kiến thức.

Nội dung câu hỏi:

Chào luật sư! Gia đình em đang xảy ra một vụ việc đang gây phiền toái và không biết phải xử lí như thế nào. Vụ việc liên quan đến một bà chị ruột trong gia đình vì lý do mâu thuẫn cá nhân gì đấy mà ganh ghét gia đình em chuyên phá đám trong làm ăn và cuộc sống. Mới đây gia đình em có trồng một đám rau muống trên một thửa ruộng mà mảnh đất đó là của em trai nhưng đã được nhà nước thu hồi lại và cũng có trả tiền bồi thường như vậy là đất của nhà nước chứ không phải của ai cả. Gia đình em nuôi bò nên lên trồng ké rau muống để cho bò mà bà chị Thứ 6 đã lên phá hoại tất cả, mẹ em thấy thế rất tức giận, công sức mua rau rồi bơm nước trồng rau mất mấy ngày trời khổ cực mà đã bị phá như vậy thật quá đáng không thể chấp nhận được.

Mẹ em có tới nói trồng lại rau chứ không là hăm dọa đánh bà ta cũng không chịu trồng lại thế là mẹ em tính đánh bằng tay cảnh cáo để khỏi phá nữa thôi. Qua hôm sau mẹ gặp bã rồi đánh bằng tay dô mặt bả mấy phát rồi bỏ đi về xong bà ấy kêu lại và lấy cây (có đinh trên cây) đập vào đầu liên hồi khiến đầu chảy máu. Mẹ em thấy thế tức quá lấy cây ném vào người bã và bị trúng tay chảy máu. Hiện tại đầu mẹ đang rất đau đi khám thì nói bị trúng phần mềm do đập vào đầu nhiều quá. Em biết mẹ là người đánh trước đã sai nhưng người này phòng vệ quá mức cho phép. Đây là cố tình gây thương tích. Và bây giờ bà ta còn đi kiện gia đình em về vấn đề trồng rau muống và cố ý đánh. Cho em hỏi trong tình huống này ai là người sai nhiều nhất và em nên xử lí như thế nào? Có nên kiện ngược lại vì tội phòng vệ quá đáng không ạ? Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của chị công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, giữa mẹ chị và người chị thứ 6 có phát sinh tranh chấp liên quan đến việc sử dụng đất dẫn đến xô xát, các bên đều bị thương tích. Với hành vi gây thương tích này các bên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Cụ thể tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau:

“…

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

…”

Như vậy, với hành vi gây thương tích cho người khác thì các bên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu mức độ thương tích đủ căn cứ để tiến hành khởi tố vụ án hình sự thì các bên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể Điều 134 quy định như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

…”

Trong trường hợp tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả xảy ra để cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo các quy định nêu trên.

Đối với hành vi phòng vệ chính đáng, theo quy định của pháp luật thì phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên. Với các nội dung chị cung cấp, chưa thể xác định chắc chắn hành vi của người chị thứ 6 có phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay không. Nếu sau khi mẹ chị đã đánh người này xong sau đó một khoảng thời gian họ mới thực hiện hành vi gây thương tích cho mẹ chị thì có căn cứ để xác định đó không phải là hành vi phòng vệ chính đáng. Khi đó, người này vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tuy nhiên, để xác định chắc chắn hành vi vi phạm của các bên cũng như các vấn đề liên quan đến xử lý đối với trường hợp này vẫn cần có kết luận điều tra từ phía cơ quan có thẩm quyền. Gia đình chị có thể liên hệ với cơ quan công an để trình báo hành vi này làm căn cứ để cơ quan công an tiếp nhận giải quyết.

Đối với hành vi sử dụng đất để trồng rau của gia đình chị, theo thông tin chị cung cấp, phần diện tích đất này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hiện tại không còn thuộc quyền sử dụng của anh trai chị do đó nếu gia đình chị muốn sử dụng phần diện tích đất này phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Nếu gia đình chị tự ý sử dụng không xin phép thì đây được xác định là hành vi vi phạm, có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử phạt gia đình chị về hành vi lấn chiếm đất. Mức phạt căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/ND-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo