Cao Thị Hiền

Gây hỏa hoạn làm thiệt hại về người, tài sản xử lý thế nào?

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất cao, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cháy nổ. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay, hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về người và tài sản bị xử lý thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ thông tin tới quý bạn đọc nội dung này.

1. Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về tài sản

Người thực hiện hành vi gây hỏa hoạn vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra hỏa hoạn thì bị xử phạt hành chính. Cụ thể, Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.

Như vậy, căn cứ vào quy định này, người nào có hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về tài sản sẽ bị xử lý hành chính tùy từng mức độ vi phạm, mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 10.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm phải buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối hành vi gây hỏa hoạn làm tổn hại đến sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%.

2. Xử lý hình sự về hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về người và tài sản

Người nào thực hiện hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về người và tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

Nếu người thực hiện hành vi gây ra hỏa hoạn mà do nguyên nhân vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Nếu gây cháy do cố ý làm thiệt hại về tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội là bị phạt tù từ 10 năm – 20 năm khi gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Nếu hành vi gây hỏa hoạn do cố ý làm chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự hiện hành với khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra hỏa hoạn làm thiệt hại về người và tài sản

Bên cạnh những chế tài hành chính và hình sự về hành vi gây hỏa hoạn làm thiệt hại về người và tài sản, người gây ra hỏa hoạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây hỏa hoạn dựa trên căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, hành vi gây hỏa hoạn xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế đã gây ra một cách kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn