Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đương sự có phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con không?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư tôi muốn hỏi trường hợp về án phí trong vụ việc tranh chấp quyền nuôi con, cụ thể trong vụ án ly hôn, đương sự có phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con không? quy định cụ thể thế nào? mong được tư vấn. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn như sau:

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng khi cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con cụ thể như sau:

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

... 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

..."

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm và một lần… Các bên có thể thỏa thuận thay đổi…nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

an-phi-cap-duong-khi-nuoi-con-jpg-12012013100237-U1.jpg

Luật sư tư vấn quy định về án phí khi có tranh chấp quyền nuôi con

Như vậy, việc cấp dưỡng nuôi con có thể là cấp dưỡng định kỳ, có thể được giải quyết trong vụ án riêng hoặc trong cùng vụ án ly hôn. Tại Khoản  6 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án như sau:

"... 6. Đối với vụ án liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ hoặc một lần theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;

b) Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trước khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; trường hợp tại phiên tòa mới thỏa thuận được với nhau thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;

c) Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về phương thức cấp dưỡng (kể cả một lần), nhưng không thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;

d) Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về phương thức cấp dưỡng nhưng thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;

đ) Trường hợp các đương sự có tranh chấp về cấp dưỡng (tranh chấp về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng) và Tòa án quyết định mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng định, kỳ hàng tháng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch."

Tuy nhiên, tại Khoản 5 Điều 27 lại quy định “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, cụ thể:

"...5. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;

b) Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;

c) Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phân tài sản mà họ phải thực hiện; nếu họ không thỏa thuận chia được với nhau mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;

d) Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung;

đ) Trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải đương sự không thỏa thuận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;

e) Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng."

Như vậy, đã có một quy định về các loại án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình và nó chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản (là quy định tại Khoản 5, Điều 27 nêu trên). Do đó, quy định tại Khoản 6, Điều 27 chỉ là quy định về mức án phí đối với việc cấp dưỡng định kỳ, và chỉ trong trường hợp có vụ án riêng về cấp dưỡng thì đương sự mới chịu án phí về cấp dưỡng.

Xin tư vấn việc thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi xin được tư vấn về việc xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con . Tôi và vợ ly hôn được 5 năm và lúc đó con tôi 2 tuổi nên quyền trực tiếp nuôi con thuộc về vợ tôi và tôi có nghĩa vụ hỗ trợ về kinh tế để nuôi dưỡng con . Sau khi ly tôi đi làm việc ở nước ngoài và vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình . Đến nay tôi đã về nước và tôi có đầy đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục con . Về phần gia đình vợ tôi hiện nay con tôi đang sống cùng gia đình ngoại không có thu nhập ổn định cùng với việc ông bà ngoại của cháu thường cờ bạc nên tôi sợ sẽ ảnh hưởng tới nhận thức và lối sống của cháu . Vậy nên tôi muốn được xét lại quyền trực tiếp nuôi con có được không ? Và nếu được thì thủ tục cần những gì ? Tôi xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Chào bạn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ”

Như vậy, bạn có thể giành lại quyền nuôi con từ vợ bạn. Nhưng để giành lại quyền nuôi con bạn phải chứng minh được vợ bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như về kinh tế của vợ bạn đang không có thu nhập ổn định, con bạn  bị ảnh hưởng từ việc ông ngoại cờ bạc… Bạn lấy chứng cứ về điều kiện kinh tế của vợ,con bạn bị ảnh hưởng từ ông ngoại cờ bạc...để yêu cầu Tòa án xem xét. 

Ngoài ra, hiện nay con bạn đã được  7 tuổi. Nên bạn phải xem xét nguyện vọng của con bạn. Bé có muốn sống với bạn hay không? Và bạn phải tôn trọng quyết định của đứa con.

Để giành lại quyền nuôi con, bạn phải làm hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn gồm:

- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

- Bản án ly hôn

- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực)

- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực)

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Sau khi làm đầy đủ hồ sơ như trên, bạn nộp đến Tòa án nhân dân quận, (huyện) nơi vợ bạn sinh sống đề nghị giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo