Đường dây điện cao thế đi qua nhà dân xử lý thế nào?
Vì nhà có con nhỏ và đường dây điện nằm trên nóc nhà đã lâu sợ bị rò rỉ điện gây nguy hiểm cho người nhà, kính mong luật sư tư vấn dùm mình có được bồi thường hay đường dây có thể nâng hoặc di dời không. Xin cám ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:
Do bạn không thông tin về điện áp đường dây điện cụ thể, đường dây điện này là do người dân tự mắc hay là đường dây điện của nhà nước nên chúng tôi không thể xác định cụ thể về việc bồi thường và di dời đường dây.
>> Tư vấn quy định về bồi thường do đường dây điện đi qua, gọi: 1900.6169
Trường hợp đường dây điện này là do các hộ xung quanh mắc qua nhà bạn.
Điều 255 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Như vậy, việc các gia đình xung quanh mắc dây điện qua nóc nhà bạn mà không có khoảng cách tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho gia đình bạn là không hợp lý, bạn có quyền yêu cầu các gia đình đó thực hiện di dời ra vị trí thích hợp hoặc nâng dây điện lên cao hơn để đảm bảo an toàn cho gia đình bạn.
Trường hợp đây là đường dây điện của nhà nước.
Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định về Điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV:
“Nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy.
2. Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp.
3. Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định trong bảng sau:
Điện áp |
Đến 35 kV |
110 kV |
220 kV |
Khoảng cách |
3,0 m |
4,0 m |
6,0 m |
Do đường dây điện nằm trên nóc nhà bạn không có khoảng cách nên theo quy định trên, bạn sẽ được hỗ trợ, bồi thường di chuyển dây điện hoặc di dời nhà ở. Ngoài ra, đường dây điện được lắp đặt sau khi ngôi nhà nóc lá của bạn đã tồn tại, do đó, việc hỗ trợ, bồi thường sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 14/2014/NĐ-CP:
"1. Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV theo quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:
a) Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;
b) Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không lớn hơn 70% giá trị phần nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt tính trên diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có tiêu chuẩn tương đương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
c) Trường hợp nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
2. Nhà ở, công trình được xây dựng trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
a) Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó;
b) Trường hợp phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm: Chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ hoặc bồi thường di dời nhà ở công trình theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Do đó, bạn có thể yêu cầu chủ đầu tư công trình lưới điện thực hiện việc di dời đường dây điện hoặc cải tạo đường dây lên cao hơn để đảm bảo an toàn cho gia đình mình.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất