Vũ Thanh Thủy

Dùng hình ảnh người khác để đòi nợ có phạm tội không?

Dạ em chào anh. Hiện tại em không ở nhà cũng không rõ là người nhà em vay thế nào. Em chỉ biết là lúc trước có mua laptop trong cửa hàng TGDĐ và nhân viên cộng tác bên đấy có gọi mời ba mẹ em vay tiền do đang gặp khó khăn nên ba mẹ em có vay nhưng số tiền em không rõ ạ

 

Em hỏi nhưng ba mẹ không nói chỉ biết đóng hàng tháng hơn 3 triệu ạ.  Còn khoảng 10 lần đóng. Nhưng do gia đình đang rất khó khăn khoảng nên đóng trễ 3 kỳ. Hôm nay có người sử dụng hình ảnh của em trai em gửi cho 1 số bạn bè của em ấy với nội dung như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Em thật sự rất sợ.  Luật sư có thể tư vấn giúp em ạ. Vấn đề tiền vay gia đình em sẽ cố gắng trả nhưng như thế này giống đe doạ quá.  Em rất sợ ảnh hưởng tới việc học của em trai em và mẹ em. Mong nhận phản hồi sớm từ phía luật sư.  Em cảm ơn rất nhiều ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản, cụ thể:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn vay tiền tại Thế giới di động và hằng tháng đóng hơn 3 triệu, nhưng vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ bạn đã đóng chậm 3 kỳ.

 

Theo quy định của bộ luật dân sự thì bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời hạn mà các bên thỏa thuận, do đó, bố mẹ bạn có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho bên cho vay khi đến hạn, trường hợp bố mẹ không có khả năng thanh toán đúng hạn thì có thể thỏa thuận với bên cho vay để gia hạn thêm thời gian. Nếu bên cho vay không đồng ý thì họ có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.

 

Tuy nhiên, khi bố mẹ bạn thanh toán chậm 3 kỳ thì bên cho vay đã dùng hình ảnh của em trai bạn gửi cho bạn bè của em với nội dung như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.”

 

Đặc điểm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người phạm tội có hành vi khách quan là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Nếu trường hợp do hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ bạn chậm thanh toán số tiền vay, không có hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay từ ban đầu thì chưa đủ căn cứ để xem xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Nếu trong trường hợp bên cho vay tự ý dùng hình ảnh của em trai bạn gửi cho bạn bè kèm theo lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc vu khống em trai bạn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ- CP xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em trai bạn, bạn có thể đem tất cả những bằng chứng, những thông tin mà bạn có được đến cơ quan công an yêu cầu họ xử lý hành vi này. Cơ quan công an sẽ có nghĩa vụ xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

P.luật sư tư vấn về hình sự – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169