Đinh Thị Minh Nguyệt

Đóng tiền bảo lĩnh có chắc chắn được tại ngoại không?

Tạm giam là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi. Bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Vậy đóng tiền bảo lĩnh có chắc chắn được tại ngoại không là thắc mắc của nhiều người. Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải đáp thắc mắc trên.

1. Bảo lĩnh là gì? Khi nào thì được bảo lĩnh để tại ngoại?

Để bảo lĩnh bị can ra tại ngoại, người bảo lĩnh phải nộp đơn xin bảo lĩnh tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh. Việc bảo lĩnh là dùng uy tín để bảo lĩnh, không cần nộp tiền. Nếu phải đóng tiền để được tại ngoại thì đây là biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Cũng giống như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 122 BLTTHS là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, nếu được cho phép đặt tiền để bảo đảm, bị can, bị cáo sẽ được tại ngoại. Bảo lĩnh hay đặt tiền để bảo đảm được gọi chung là các biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với các biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể quyết định cho họ được tại ngoại hay không. Cụ thể điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền được bảo đảm được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC như sau:

“2. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...); việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trừ các trường hợp sau:

- Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

- Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

- Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã.

- Phạm nhiều tội;

- Phạm tội nhiều lần.”

Như vậy việc được tại ngoại hay không còn tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Họ phải xem xét đến nhiều yếu tố để xác định việc tại ngoại có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc điều tra hay không, như trong quá trình lấy lời khai bị can có hợp tác không, vì nếu không hợp tác thì nếu cho tại ngoại họ có nguy cơ sẽ bỏ trốn, hoặc có thể tiếp tục phạm tội, hoặc nếu cho tại ngoại bị can có thể ngụy tạo chứng cứ hoặc thông cung với những đồng phạm khác làm ảnh hưởng điều tra… Phần lớn cơ quan điều tra sẽ xem xét cho tại ngoại đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc là đồng phạm là người hỗ trợ gián tiếp, không có vai trò quan trọng trong việc phạm tội, trong quá trình lấy lời khai bị can có thái độ tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc bị can, bị cáo phạm tội có tính chất nguy hiểm cao nhưng bị ốm đau, bệnh tật nặng để đảm bảo được nếu cho tại ngoại thì bị can, bị cáo vẫn có mặt theo giấy triệu tập, đúng thời gian quy định và không cản trở đến hoạt động tố tụng của vụ án.

Cụ thể như sau:

  • Đối với các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ rất khó để yêu cầu được tại ngoại mà sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.
  • Đối với các tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm thì thường sẽ được cho tại ngoại, trừ một số trường hợp sau:

- Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

- Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

- Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

  • Đối với tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì thường sẽ được cho tại ngoại, trừ trường hợp họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
  • Đối với bị can, bị cáo là người đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hoặc người già yếu, người bị bệnh tật mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì sẽ cho tại ngoại với mục đích nhân đạo. Trừ các trường hợp sau:

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

- Tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Thực tế hiện nay, việc áp dụng biện pháp này chưa có hướng dẫn cụ thể, chỉ mang tính khái quát nên các cơ quan đều rất e ngại, hiếm khi bị can được bảo lĩnh hay đặt tiền bảo đảm để tại ngoại vì sợ bị can bỏ trốn. Khi đó cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm. Thực tế việc có áp dụng hay không áp dụng biện pháp ngăn chặn này vẫn tùy thuộc vào ý chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Có trường hợp bị can, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo là người chưa thành niên, người bị bệnh nặng, người khuyết tật, người trụ cột trong gia đình… nhưng vẫn không được cho bảo lĩnh. Tạm giam vẫn là lựa chọn an toàn hơn đối với cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Đã đóng tiền bảo lĩnh có chắc chắn được tại ngoại không?

Nếu đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, đã thực hiện việc đóng tiền thì phần lớn khả năng sẽ được tại ngoại. Tuy nhiên có những trường hợp cơ quan có thẩm quyền đánh giá lại và quyết định không cho tại ngoại nữa. Ví dụ có thể trong thời gian chờ xử lý cho tại ngoại bị can lại vi phạm điều kiện cho tại ngoại như chống đối chẳng hạn. Việc này phụ thuộc vào quá trình làm việc của cơ quan có thẩm quyền.

Lưu ý rằng khi đã được tại ngoại thì bị can cũng phải tuân thủ và chấp hành các nghĩa vụ đã cam đoan để không bị áp dụng trở lại biện pháp tạm giam và mất số tiền đã đặt. Các nghĩa vụ cần tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 122 như sau:

“2. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo