Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định Bộ luật Lao động 2012

Xin chào Công ty Luật Minh GiaLần đầu tiên cho tôi gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất tới Cty của các bạn

Nội dung tư vấn: Xin chào Công ty Luật Minh Gia. Lần đầu tiên cho tôi gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất tới Cty của các bạn;Tôi có một vấn đề về hợp đồng lao động mong các bạn giải đáp giúp,Công ty tôi có ký hợp đồng với lao động nữ tháng 1/2018 - làm việc tại kho công ty, đến cuối tháng 1 lao động này có thai, công ty có đóng BHXH cho lao động, nhưng tới tháng 4/2018 công ty chuyển kho, không sử dụng kho đó nữa và định cho công nhân đó nghỉ việc, tất nhiên công ty sẽ thanh toán toàn bộ lương cho NLĐ, nhưng vì không biết Cty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang mang thai như vậy có vi phạm luật BHXH hay luật lao động hay không, vì đây là trường hợp bất khả kháng, mong cty luật minh gia tư vấn giúp đỡ.xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

 

Căn cứ, khoản 3 Điều 39 Bộ luật Lao động quy định như sau:

 

“3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.”

 

Như vậy, không phải bất cứ trường hợp nào công ty cũng không được chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ đang mang thai. Pháp luật chỉ cấm việc sa thải lao động đó vì lý do mang thai. Nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 38 Bộ luật Lao động 2012, công ty vẫn có thể chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động này.

 

Theo đó, điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

 

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

 

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;”

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính Phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao đông, lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

“a) Do địch họa, dịch bệnh;

 

b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

 

Như vậy, nếu việc “công ty chuyển kho, không sử dụng kho đó nữa” vì lý do “di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” thì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ này là không vi phạm pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Đoàn Thị Khánh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo