LS Vy Huyền

Đòi lại sổ đỏ đã thế chấp phải làm thế nào?

Xin luật sư cho hỏi nhà tôi có thế chấp sổ đỏ để vay 300 triệu năm 2009 nhưng bên cho thế chấp (B) mới đưa 100 triệu rồi người cho thế chấp đi tù và viết giấy ủy quyền cho cháu số nợ của nhà tôi và cầm sổ đỏ nhà tôi lại sau đó cứ khất nhà tôi là làm nốt thủ tục rút tiền để đưa nốt cho nhà tôi 200 triệu nữa nhưng sau đó mất hút...

Sau nhiều lần tìm kiếm thì tôi mới nhận ra mình bị lừa đảo vì từ đầu năm 2016 tôi đã gặp được người cháu của bên B và đề nghị cho gia đình tôi chuộc sổ về nhưng người cháu kia đã cắm vào ngân hàng và bảo nhà tôi là 200 triệu  mới lấy được sổ về nhà, tôi đã phải bán mảnh đất khác để có tiền chuộc về rồi người cháu kia cứ khất lần khất lượt sau đó tôi hỏi dò thì bảo sổ nhà người cháu kia cũng bị cắm vào ngân hàng nên cho tôi hỏi luật sư là làm như thế nào để tôi có thể kiện và đòi được sổ về để giải quyết cho đỡ mất mát nếu có thể đòi về tôi xin trân thành cám ơn và hậu tạ.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia,với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng:

 

“…Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này ”.

 

Vì bạn không nêu rõ hợp đồng thế chấp tài sản giữa bạn và bên B có được công chứng, chứng thực hay không? Trong trường hợp hợp đồng không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng thế chấp này bị coi là vô hiệu. 

 

Trong trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

 

Theo quy định tại khoản 2 điều 324 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp:

 

2. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:

 

a) Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;

 

b) Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;

 

c) Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

 

Theo đó, người thứ ba giữ tài sản thế chấp có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp,không được làm mất hoặc làm giảm sút giá trị của tài sản thế chấp. Như vậy, trong trường hợp này người cháu được bên B ủy quyền đem sổ đỏ của bạn đi thế chấp ngân hàng là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, người cháu đó phải bồi thường thiệt hại cho bạn.

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được và người cháu của bên B không giao sổ đỏ cho bạn thì bạn có quyền gửi đơn đến tòa án nơi bạn cư trú để được giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng !

CV Thúy Vân - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo