Đổi họ cho con có cần sự đồng ý của cha, mẹ không?
Mục lục bài viết
Câu hỏi đề nghị tư vấn:
Xin chào luật sư! Tình trạng vợ chồng em như sau: Em kết hôn năm 20xx hiện đang có 1 cháu được 6 tháng tuổi, cuộc sống lúc đầu rất hạnh phúc cho đến khi em sinh bé, mẹ chồng em do hiểu lầm em nên từ đó cuộc sống của vợ chồng em rơi vào địa ngục, chồng em không quan tâm vợ con chỉ chơi game, mặc dù anh ấy vẫn đi làm, làm việc nhà như lúc trước và anh ấy cho rằng như vậy là đã tròn trách nhiệm với mẹ con em. Bây giờ em muốn ly hôn và muốn giành quyền nuôi bé, em muốn sau khi ly hôn không để chồng hay nhà chồng em nhìn nhận bé được không? Và em muốn thay đổi luôn khai sinh của cháu nữa để cháu không còn bất cứ mối quan hệ nào với nhà nội cháu. Nếu em thuê luật sư thay mặt em giải quyết ly hôn thì phí là bao nhiêu? Em xin cảm ơn luật sư nhiều. Em mong nhận được câu trả lời sớm từ luật sư!
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thủ tục ly hôn
Căn cứ theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Trường hợp con của bạn chỉ mới 6 tháng tuổi nên quyền yêu cầu ly hôn chỉ có bạn (vợ) yêu cầu đơn phương ly hôn hoặc cả hai vợ chồng đồng ý thuận tình ly hôn. Do đó, hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận để thống nhất việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. Nếu hai bên thỏa thuận được thì thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn và được giải quyết nhanh chóng hơn. Nếu chồng bạn không đồng ý thì bạn có thể đơn phương ly hôn nộp hồ sơ tại Tòa án nơi chồng đang cư trú.
Hồ sơ ly hôn cần chuẩn bị:
- Đơn ly hôn/ đơn xin công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Giấy khai sinh của con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực);
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực).
Thứ hai, về quyền nuôi dưỡng con và đổi họ cho con
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về người trực tiếp nuôi dưỡng, quyền và nghĩa vụ tương đương. Nếu không thể thỏa thuận thì theo căn cứ nêu trên con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Để bảo đảm trẻ có môi trường tốt để lớn lên thì pháp luật đặt ra điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con như: Điều kiện về vật chất nguồn thu nhập chăm lo cuộc sống của con, có nơi ở nơi chăm sóc con; điều kiện về tinh thần thời gian quan tâm chăm sóc cho con; nhân cách đạo đức; trình độ học vấn; …
Như vậy, nếu bạn đủ điều kiện để chăm sóc cho con thì trường hợp con bạn 6 tháng tuổi sẽ ưu tiên giao cho bạn nuôi dưỡng trực tiếp. Tuy nhiên, đây là con chung của hai vợ chồng, bạn không có quyền ngăn cấm chồng và gia đình chồng được thăm nom, gặp gỡ con, nếu có hành vi ngăn cấm là vi phạm quy định của pháp luật.
Việc đổi họ cho con quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nghị định hướng dẫn luật Hộ tịch 2014 như sau:
“Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Căn cứ quy định nêu trên việc thay đổi họ tên cho con dưới 18 tuổi đều cần xác nhận đồng ý của cả cha và mẹ. Việc muốn đổi họ cho con bạn cần chữ ký xác nhận của người chồng đây là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp, người chồng không đồng ý thay đổi họ cho con thì bạn không thể thực hiện được thủ tục đổi họ cho con.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất