Điều kiện thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi Quý công ty. qua email này kính mong Quý công ty hỗ trợ cho tôi về thủ tục giảm chi phí cấp dưỡng nuôi con như sau:Theo QĐ của tòa thì sau khi ly hôn, tôi đồng ý với yêu cầu của vợ cũ là chu cấp 1 tháng 6 triệu để lo cho con chung.

 

Tuy nhiên, từ T11/2016 đến nay thu nhập của tôi giảm 1/2 và nhiều chi phí khác phát sinh hợp lý (vay nợ ngân hàng, chi phí sinh hoạt), đồng thời tôi cũng bị té xe mất sức lao động. Tôi đã liên hệ với tòa để giảm chi phí xuống, tuy nhiên tòa trả lời là tôi phải thỏa thuận với vợ cũ, nếu không được thì mới đến tòa và phải làm đơn khởi kiện.Vậy Quý công ty cho tôi hỏi là khi khởi kiện như vậy thì tôi là Nguyên đơn và vợ cũ tôi là bị đơn phải không ạ? và Quý công ty có mẫu Đơn khởi kiện giảm chi phí cấp dưỡng thì kính mong Quý công ty gửi giúp.Tôi chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc thay đổi mức cấp dưỡng.

 

Khi ly hôn theo quy định của pháp luật người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp anh gặp khó khăn trong cuộc sống, thu nhập không ổn định, mất sức lao động như đã nêu ở trên nên anh có cơ sở giảm mức cấp dưỡng. Nếu như vợ cũ của anh không đồng ý thì anh có thể làm đơn đến Tòa án đã giải quyết việc ly hôn để yêu cầu thay đối mức cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2 điều 116 Luật HN&GĐ:

 

"2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết"

 

Ngoài ra, việc cấp dưỡng còn có thể tạm ngừng nếu người nếu anh chứng minh được không còn có khả năng cấp dưỡng ( kinh tế quá khó khăn). Giống như với trường hợp giảm mức cấp dưỡng, đối với vấn đề tạm ngừng việc cấp dưỡng nếu không thỏa thuận được thì anh có thể làm đơn xin tạm ngừng cấp dưỡng. Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

 

“…

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".

 

Việc cấp dưỡng có thể tiếp tục trở lại khi anh đã có sự hồi phục về mặt kinh tế.

 

Thứ hai, về chủ thể.

 

Theo quy định khoản 2 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

 

2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

 

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

 

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”

 

Như vậy, anh là người khởi kiện yêu cầu giảm mức chi phí cấp dưỡng nên anh sẽ đóng vai trò là nguyên đơn và vợ cũ của anh sẽ là bị đơn.

 

Thứ ba, về mẫu đơn khởi kiện

 

Anh có thể tham khảo tại đây: https://luatminhgia.com.vn/mau-don-khoi-kien.aspx

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV  Phan Huyền – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169