Lò Thị Loan

Điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật

Thành lập Công ty, doanh nghiệp là hoạt động đăng ký kinh doanh với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với mỗi một loại hình doanh nghiệp khác nhau thì điều kiện thành lập sẽ có những sự khác biệt nhất định. Vậy những điều kiện đó là gì? Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về điều kiện thành lập doanh nghiệp?

Hiện nay, đầu tư thành lập doanh nghiệp để kinh doanh đang là xu hướng chung của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nền kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ thì từng ngày, từng giờ ở Việt Nam các doanh nghiệp được thành lập và tham gia vào nền kinh tế với số lượng ngày càng lớn. Và với mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những điều kiện thành lập riêng nhất định nhưng tựu chung để thành lập doanh nghiệp cá nhân, tổ chức phải thỏa mãn những điều kiện sau:

1. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp

Để thành lập doanh nghiệp, trước tiên các tổ chức và cá nhân phải thuộc đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020:

Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:

a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, việc pháp luật quy định các chủ thể này không được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp là nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong huy động, sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi hành vi tiêu cực, gian lận, tham nhũng gây thiệt hại cho nguồn ngân sách nhà nước.

2. Điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau: “Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;”. Do đó, điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Và Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 có quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:

Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

3. Điều kiện về vốn của doanh nghiệp

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp, được quy định chỉ với một số ngành nghề kinh doanh nhất định. Theo Điều 10 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì đối với mỗi loại hình thì sẽ yêu cầu với các mức vốn pháp định khác nhau như: Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;… Hay theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng điều kiện có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên,... và còn rất nhiều ngành nghề khác nữa mà chủ sở hữu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định.

Như vậy, để được thành lập các doanh nghiệp đăng ký đối với một số ngành nghề đặc thù thì sẽ phải đáp ứng thêm điều kiện về vốn pháp định. Do đó, các tổ chức, cá nhân khi muốn thành lập thì sẽ phải tìm hiểu trước quy định về vốn pháp định tối thiểu để xem xét mình có đáp ứng đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp đối với ngành nghề này không.

4. Điều kiện về tên doanh nghiệp muốn thành lập

Tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập phải thỏa mãn các quy định từ Điều 37 - Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu, gồm 2 thành tố theo thứ tự là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Đồng thời, không được vi phạm những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp: Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký; Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.

Trước khi đăng ký kinh doanh, các nhà đầu tư nên lựa chọn một số tên doanh nghiệp dự kiến sau đó tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5. Điều kiện về trụ sở chính của doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về trụ sở chính cảu doanh nghiệp như sau:

Điều 42. Trụ sở chính của doanh nghiệp

Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Do đó, là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp mà theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về địa chỉ đăng ký trụ sở chính đối với tổ chức; địa chỉ thường trú hoặc nơi làm việc hoặc địa chỉ khác của cá nhân mà người đó đăng ký với doanh nghiệp để làm địa chỉ liên lạc.

Cụ thể, trụ sở chính phải có địa chỉ xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Trường hợp nơi đặt trụ sở chính chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì làm công văn có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ khi đăng ký kinh doanh.

6. Điều kiện về năng lực chuyên môn

Bên cạnh những điều kiện về chủ thể, ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, tên doanh nghiệp, trụ sở chính,… thì đối với một số doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh thì đối với một số doanh nghiệp còn phải đáp ứng thêm về điều kiện về năng lực chuyên môn. Đây là những ngành nghề đặc thù không phải ai cũng có khả năng đáp ứng cho khách hàng, đòi hỏi nhà cung cấp phải có trình độ chuyên môn nhất định mới đảm bảo được chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Do đó đối với một số ngành nghề kinh doanh thì pháp luật còn yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề là văn bản mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định.  Theo quy định của pháp luật hiện nay một số ngành nghề đòi hòi phải có chứng chỉ hành nghề bao gồm: Kinh doanh dịch vụ pháp lý; Kinh doanh dịch vụ, khám chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm; Kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Kinh doanh dịch vụ thú ý và kinh doanh thuốc thú y,…

7. Điều kiện về hồ sơ và nộp lệ phí

Theo khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thì đối với mỗi loại hình doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà các tổ chức, cá nhân muốn thành lập phải chuẩn bị các bộ hồ sơ khác nhau. Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị từ Điều 19 đến Điều 22 tương ứng với các loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phẩn.

Người thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trừ một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp). Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh và sẽ không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là bài tư vấn về điều kiện thành lập doanh nghiệp, nếu bạn đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thì hãy liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo