Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Điều kiện lập di chúc tặng cho đất khi GCNQSDĐ bị người khác giữ

Cháu xin chào Luật sư! Bác cho cháu hỏi GCNQSDĐ bị vợ hai giữ. Chồng muốn lập di chúc tặng, cho đất đối với con trai của người vợ thứ nhất có được không? Cụ thể: Sổ đỏ của nhà cháu là do bố cháu đứng tên là A nhưng năm 2003 mẹ cháu là B qua đời, đến năm 2008 bố cháu lấy vợ khác tên là C, có 1 đứa con gái chung . Nay bố cháu bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. muốn viết di chúc để lại toàn bộ tài sản đất đai cho e trai cháu là D.

 

Nhưng xuống phòng công chứng họ đòi hỏi phải có CMND, Sổ hộ khẩu và sổ đỏ gốc nhưng sổ đỏ kia do bà mẹ kế giữ kín ko tìm được. Vậy giờ phải làm sao để có thể làm bản di chúc mà có thuận lợi cho e trai cháu sau này. (Do bà kế sống quá ác nghiệt nên sợ sau này bà ấy lật lọng) và nếu có ra tranh chấp thì sẽ chia như thế nào? Bố cháu với mẹ cháu sinh dược cháu và em trai cháu, còn vợ sau có 1 em gái. Rất mong được bác sớm trả lời thắc mắc của cháu.

 

Điều kiện lập di chúc tặng cho đất khi GCNQSDĐ bị người khác giữ

>> Tư vấn pháp luật về Di chúc thừa kế, gọi 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc thừa kế khi mẹ bạn mất

 

Mặc dù GCNQSDĐ đứng tên cha bạn nhưng nếu đó là tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân thì đó vẫn là tài sản chung của cha, mẹ. Khi đó, giá trị ngôi nhà sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau. Khi mẹ bạn mất, do mẹ bạn không để lại di chúc nên di sản thừa kế do mẹ bạn để lại là 1 nữa ngôi nhà sẽ được chia pháp luật. Và di sản sẽ được chia theo hàng thừa kế quy định tại điều 679BLDS 1995, cụ thể:

"1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

 

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản."


Như vậy, một nửa ngôi nhà là di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức là ông bà ngoại của bạn (nếu có), bố bạn, bạn và em trai bạn, mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau.

 

Thứ hai, về việc lập di chúc của bố bạn

 

Theo Điều 630 BLDS 2015quy định về di chúc hợp pháp như sau:
 
"1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."

Do đó, nếu bố bạn muốn để lại tài sản cho em bạn thì bố bạn có thể viết di chúc để lại di sản của mình. Điều kiện lập di chúc là người lập di chúc minh mẫn, không bị lừa dối và nội dung di chúc không trái với quy định của pháp luật thì mặc dù không có công chứng hay chứng thực di chúc vẫn hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.
 
Ngoài ra, bố bạn cũng có thể lập di chúc tại Uỷ ban nhân dân xã để có sự bảo đảm cao hơn so với di chúc viết tay. Khi đó di chúc sẽ được chứng thực và có giá trị pháp lý ngang với việc di chúc được công chứng tại cơ quan công chứng theo quy định tại điều 636 Bộ luật dân sự 2015:

"Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

 

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

 

2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng."

Việc lập di chúc tại UBND xã mặc dù GCNQSDĐ bố bạn không lưu giữ nhưng UBND xã có thể dựa vào hồ sơ gốc lưu giữ tại cơ quan này để chứng thực di chúc cho bố bạn.

Khi đó, tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn sẽ được chia theo di chúc và bố bạn hoàn toàn có quyết định cho ai tài sản trong di sản của mình, những người còn lại sẽ không được hưởng di sản thừa kế trừ những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015:

"1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này."

Do quyền sử dụng đất đứng tên của bố bạn nên dù mẹ kế cầm giữ và giấu GCNQSDĐ thì cũng không ảnh hưởng đến quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình của bố bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện lập di chúc tặng cho đất khi GCNQSDĐ bị người khác giữ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo