Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Điều kiện hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật

Vợ chồng sống với nhau nhưng không có đăng ký kết hôn thì khi một trong hai người chết, người còn lại có được hưởng chế độ tử tuất không? Việc hưởng chế độ tử tuất có phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú của thân nhân người chết không? Luật Minh Gia tư vấn trường hợp này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội

Chế độ tử tuất là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần cho thân nhân của người lao động khi họ chết dựa trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Pháp luật quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chế độ tử tuất bao gồm thân nhân của người lao động gồm con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, liên quan đến chế độ tử tuất hiện nay còn nhiều người lao động gặp phải những vướng mắc như:

- Xác định đối tượng hưởng chế độ;

- Xác định mức hưởng chế độ;

- Hồ sơ, thủ tục kê khai hưởng chế độ;

- Phát sinh tranh chấp liên quan đến việc phân chia trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán,…

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về điều kiện hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật

Hỏi: Chào luật sư, cho tôi hỏi về điều kiện hưởng chế độ tử tuất như sau: Bố tôi hiện gần 90 tuổi, mẹ tôi hơn 60 tuổi. Trước đó bố tôi có ra toà ly hôn người vợ cũ và sau đó bố mẹ tôi cưới nhau tới nay đã được hơn 30 năm (nhưng không có đăng kí kết hôn). Khi còn trẻ bố tôi phát triển sự nghiệp trên Hà Nội (mẹ tôi ở quê nương nhờ nhà ngoại). Khoảng gần 10 năm nay bố tôi không tự chăm sóc bản thân được (bố tôi hỏng mắt), mẹ tôi là người chăm sóc trực tiếp đến nay.

Nhà bố tôi được phân ở Hà Nội, các con của người vợ trước hưởng hết. Một người con được hưởng khoảng 3 tỷ tiền bán nhà của bố tôi (con vợ trước) trả tiền thuê nhà cho bố mẹ tôi khoảng từ (1-2 triệu), nay bố tôi ko thuê nhà nữa về quê với mẹ tôi. Họ vẫn đưa bố tôi hiện tại 2 triệu/ tháng (thi thoảng họ lại "quên" ko đưa 1 tháng). Điều tôi băn khoăn: bố tôi đang hưởng lương hưu, nếu khi bố tôi trăm tuổi mà mẹ tôi vẫn còn sống thì liệu bà có được hưởng chế độ Tuất không? (Vì bố mẹ tôi không đăng kí kết hôn). Bố mẹ tôi định về quê Đk kết hôn (đã trích lục được Quyết định ly hôn với người vợ trước), nhưng hiện gặp khó khăn trong việc đăng kí kết hôn (vì con của vợ trước ko chịu cho "mượn" hộ khẩu của bố tôi, họ ko muốn làm gì liên quan đến hộ khẩu). Không có sổ hộ khẩu bố tôi không ra phường làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được (mặc dù bố tôi thuộc diện KT2 - tức hộ khẩu treo vì các con bán hết nhà rồi). Bố mẹ tôi phải làm gì bây giờ ạ? Nếu ko lo được giấy xác định tình trạng hôn nhân để bố mẹ tôi đăng kí kết hôn, bố tôi có nên chuyển Khẩu về quê để bố mẹ tôi chung khẩu và chuyển cả lương hưu từ Hà Nội về thôn quê Hải Dương không? Với trường hợp của mẹ tôi, lúc này bà cần phải làm gì hay có những giấy tờ gì để nếu sau này nếu ông có "trăm tuổi" trước, bà mà còn sống thì còn được hưởng Tuất để phần nào an ủi lúc tuổi già.

Điều kiện hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi chưa xác định được cụ thể bố mẹ bạn sinh sống với năm từ năm bao nhiêu, trước năm 1987 hay sau năm 1987 do đó chúng tôi chia thành các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Chế độ tử tuất nếu bố mẹ bạn chung sống với nhau trước năm 1987

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì nếu bố mẹ bạn chung sống với nhau trước năm 1987 thì mặc dù bố mẹ bạn không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được thừa nhận là vợ chồng hợp pháp.

Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng như sau:

“1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

3. Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công…”

Như vậy, nếu bố bạn đang hưởng lương hưu mà mất thì mẹ bạn trong trường hợp này sẽ được hưởng chế độ tử tuất nếu tại thời điểm bố bạn mất mẹ bạn đủ 55 tuổi trở lên.

Mẹ bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định tại Điều 111 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Bên cạnh đó, mẹ bạn cần có giấy tờ chứng minh đã chung sống với bố bạn từ trước năm 1987.

Trường hợp 2: Chế độ tuất nếu bố mẹ bạn chung sống sau năm 1987

Căn cứ theo quy định tại thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP đã nêu trên thì bố mẹ bạn chung sống sau năm 1987 mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Khi đó, nếu bố bạn mất mẹ bạn sẽ không thuộc đối tượng được hưởng chế độ tử tuất theo quy định đã nêu trên.

Trường hợp này bố mẹ bạn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định. Nếu bố bạn không lấy được sổ hộ khẩu từ phía các người con riêng thì bố bạn có thể đề nghị cơ quan công an tại địa phương hỗ trợ giải quyết.

Về vấn đề chuyển khẩu từ nơi ở cũ của bố bạn sang nơi ở của mẹ bạn thì bố bạn phải đăng ký tạm trú tại địa phương của mẹ bạn đủ thời gian quy định sau đó bố bạn phải có sổ hộ khẩu và xin giấy chuyển khẩu của địa phương cũ, sau khi đủ điều kiện thì mới có thể làm thủ tục nhập khẩu với mẹ bạn. Tuy nhiên, do các con riêng đang giữ sổ hộ khẩu nên việc xin giấy chuyển khẩu và làm thủ tục nhập khẩu của bố bạn là khá khó khăn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169