Điều kiện để ly hôn khi chồng bỏ đi không liên lạc với gia đình
Bây giờ em gái tôi muốn ly hôn để ổn định cuộc sống nhưng về huyện thì họ bảo phải có chồng mới được hoặc ly hôn theo thông báo mất tích hoặc vắng mặt nhưng như vậy thì án phí cao quá mà em tôi vừa đi làm vừa nuôi 2 con nhỏ nữa vậy xin hỏi luật sư có cách giải quyết nào khác không. Xin nhờ và cám ơn luật sư tư vấn giúp.
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn, trường hợp bạn thắc mắc chúng tôi nghiên cứu tư vấn như sau:
Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn và quy trình khởi kiện việc ly hôn:
Căn cứ Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giả tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Khi chồng của em bạn bỏ đi đã lâu nhưng thực tế vẫn biết tin tức về người đó thì em bạn có thể yêu cầu đơn phương ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện về tình trạng đời sống, mục đích hôn nhân để quyết định cho ly hôn.
Hồ sơ khởi kiện về việc xin đơn phương ly hôn được nộp tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn (chồng) đang cư trú, làm việc bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn;
+ Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
+ Bản sao chứng thực chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên;
+ Bản sao chứng thực các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có tranh chấp;
+ Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con (trường hợp có tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn)
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì người chồng đã bỏ đi được 3 năm, vậy em gái bạn cần tìm kiếm để biết được nơi cư trú hiện tại của người chồng, từ đó mới có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn.
Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Nếu như quá trình tìm kiếm không đạt kết quả em gái bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích. Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố chồng em gái bạn mất tích thì em gái bạn có thể yêu cầu ly hôn theo quy định.
Thứ hai về các khoản án phí, lệ phí.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án thì yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích phải chịu lệ phí giải quyết việc dân sự. Căn cứ vào danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 thì tạm ứng án phí sơ thẩm để giải quyết vụ án ly hôn không có yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản là
300.000 đồng. Nếu có tranh chấp về tài sản thì bạn tham khảo danh mục tiền tạm ứng án phí phải nộp để xác định tiền tạm ứng án phí theo giá trị tài sản tranh chấp.
Nếu hoàn cảnh của em bạn thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 12 và 13Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 thì sẽ được miễn hoặc giảm tiền tạm ứng án phí.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện để ly hôn khi chồng bỏ đi không liên lạc với gia đình Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất