Nguyễn Thu Trang

Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng và vấn đề liên quan

Tranh chấp đất đai là những tranh chấp diễn ra phổ biến trong đời sống hằng ngày. Trong đó, có những tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và phức tạp, có thể kéo dài đến giai đoạn giám đốc thẩm. Do đó, hiểu và nắm vững các căn cứ pháp luật là điều thực sự cần thiết đối với bất kỳ giao dịch đất đai nào.

1. Luật sư tư vấn pháp luật Đất đai

Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, nhu cầu về đất đai và nhà ở là nhu cầu không thể thiếu và không ngừng tăng cao. Mặt khác, những người có kinh tế thường có nhu cầu tích lũy quyền sử dụng đất bởi đất đai là tài sản có giá trị lớn. Chính vì vậy, pháp luật đất đai đã quy định một cách chặt chẽ về các điều kiện, trình tự, thủ tục khi thực hiện các quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mặc dù đã quy định rất chặt chẽ nhưng trên thực tế, các giao dịch về đất đai thường diễn ra một cách tự phát (giao kết bằng miệng, giấy tờ viết tay,…) mà không hề có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Khi có các tranh chấp đất đai xảy ra, với các giao dịch không được công chứng, chứng thực thường gặp phải khó khăn trong việc thu thập các chứng cứ về hồ sơ địa chính, các giấy tờ về chuyển nhượng,…

Nếu gia đình bạn hoặc người thân đang gặp phải các tranh chấp về đất đai nhưng chưa tìm được hướng giải quyết hoặc còn băn khoăn về các quy định của pháp luật, bạn có thể liên hệ ngay đến Tổng đài Luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi qua Hotline: 1900.6169 hoặc gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn về Email tư vấn để được hỗ trợ, giải đáp nhanh nhất những tranh chấp về đất đai.

2. Tư vấn về giải quyết tranh chấp đất đai chuyển nhượng bằng giấy viết tay

Câu hỏi tư vấn: Nội dung vấn đề: Năm 1991 bà nội tôi chia cho bố tôi nhà trên, chú tôi nhà dưới (chia bằng miệng). Chú tôi không ở bán lại cho bố tôi (có giấy viết tay). Nay bà nội già không còn minh mẫn nữa chú tôi cùng hai cô ép bà làm đơn khởi kiện bố tôi đòi lại một nửa (300m2) và yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (300m2) sau khi được cho, mua lại của chú. Năm 1992 bố tôi đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (600m2). từ Năm 1991 đến nay chỉ có một mình bố tôi ở.

Yêu cầu tư vấn: Bố tôi đi kê khai làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy là có đúng không? Bà tôi không còn minh mẫn nhưng bị chú và hai cô ép vậy tôi phải làm sao?

Nội dung tư vấn: Cảm ơn anh, chị đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

Về vấn đề kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Hợp đồng tặng cho đất đai bằng miệng có thể vẫn có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định. Tại nội dung khái quát của án lệ 03/2016/AL về ly hôn nêu rõ:

Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.

Do đó, áp dụng tương tự như trên, trong trường hợp bà đã tặng cho bố một phần thửa đất, dù không có hợp đồng được công chứng chứng thực, nhưng khi bố anh xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở các thành viên trong gia đình không ai phản đối, gia đình đã sử dụng liên tục phần đất đó từ năm 1991 đến nay thì hợp đồng tặng cho bằng miệng có thể được xem xét công nhận có hiệu lực pháp luật.

Tương tự, với phần bà đã tặng cho chú sau đó chú bán lại cho bố bạn cũng có thể được công nhận có hiệu lực pháp luật, căn cứ theo Điểm b Tiểu mục 2.2 mục 2 phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP:

2.2. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 01/7/1980 (ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP) đến trước ngày 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực)

b) Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thực hiện thì Toà án công nhận hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

b.1) Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b.2) Trường hợp đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân đã cho phép việc chuyển nhượng;

b.3) Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối khi bên nhận chuyển quyền sử dụng đất xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đất đó.”

Tại thời điểm kê khai và xin cấp giấy chứng nhận có thể bố bạn chưa đáp ứng được đầy đủ các giấy tờ, thủ tục pháp luật quy định, tuy nhiên, vào khoảng thời gian năm 1992 thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, mặt khác, thời điểm kê khai không có tranh chấp và thực tế bà nội có tặng cho bố một phần, phần của chú bán lại cho bố bạn có giấy tờ mua bán. Vì vậy, chưa thể khẳng định bố bạn kê khai là trái quy định của pháp luật bởi cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ thẩm định lại nội dung bố bạn đã kê khai mới có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về nặng lực khởi kiện vụ án dân sự:

Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 69. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự

1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

4. Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện…”

Theo thông tin bạn cung cấp, bà nội bạn hiện không minh mẫn nữa, theo pháp luật quy định thì người tham gia tố tụng phải có khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình hoặc ủy quyền cho người đại diện. Trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện, nếu như tòa án phát hiện ra đơn khởi kiện này mà người viết trong tình trạng không điều khiển được hành vi của mình thì tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Vì vậy, bố bạn có thể đưa ra các chứng cứ chứng minh bà không còn minh mẫn gửi đến Tòa án hoặc có đơn đề nghị trưng cầu giám định năng lực hành vi dân sự của bà.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng và vấn đề liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo