Phạm Diệu

Di chúc miệng không hợp pháp phân chia di sản thừa kế thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp phân chia di sản thừa kế khi di chúc không hợp pháp. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia! Hiện tại tôi đang gặp vấn đề về tranh chấp Quyền sử dụng đất. Rất mong nhận được sự tư vấn của Công ty Luật Minh Gia trong trường hợp này. Nội dung cụ thể như sau:Hai vợ chồng A và B lấy nhau có 1 mảnh đất diện tích 300m2, sổ đỏ riêng chính chủ. Hai vợ chồng A và B có 04 người con là C (Con trai), D (Con gái), E (Con gái) và F (Con trai).+ Năm 1999 Hai vợ chồng A và B cho con trai F (con út) 100m2 đất xây dựng nhà ở (Nhà kiên cố) và đã tách sổ đỏ riêng.+ Năm 2004 Hai vợ chồng A và B cho con trai C (con cả) 100m2 nhưng chưa tách sổ đỏ. Con trai cả C xây dựng nhà ở kiên cố (02 tầng + 01 tum) nhưng không xin Giấy phép xây dựng, không có hồ sơ hoàn công (không có giấy tờ chứng minh thời điểm xây dựng).+ Năm 2004 Con trai cả C xây dựng cho hai vợ chồng A và B 01 nhà kiên cố trên diện tích đất 100m2 còn lại.+ Năm 2007 Người vợ B mất nhưng không để lại di chúc.+ Năm 2009 Người chồng A cho con gái (D + E) tiền mặt và tuyên bố sẽ không chia đất cho 02 người con gái.(Nói miệng, không có người làm chứng)+ Năm 2009 Người chồng A mất có di chúc miệng (Không có người làm chứng) cho 02 con trai (C+F) về việc chia đôi 100m2 còn lại cho 2 người (C và F). Người chồng A giao cho người con trai cả C giữ sổ đỏ (Phần đất của người con trai cả C và phần đất chung)+ Hiện nay người con trai F (con trai út) + 2 người con gái (D+E) muốn khởi kiện đòi phân chia lại phần đất của người con trai cả C và 100m2 đất chung còn lại.Tôi muốn hỏi: Trong trường hợp nếu khởi kiện ra tòa án, xét xử theo luật đất đai của Việt Nam Phần đất của người con trai cả C và phần đất chung sẽ được phân định như thế nào?Kính mong nhận được sự tư vấn của Quý công ty!Kính chúc Công ty Luật Minh Gia ngày càng phát triển góp phần mang lại sự công bằng cho xã hội! Trân trọng!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện để di chúc miệng là hợp pháp khi:

 

“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Theo như thông tin anh/chị cung cấp: Năm 2009 ông A mất có di chúc miệng về việc cho 02 con trai là C và F chia đôi 100m2 còn lại. Tuy nhiên, di chúc miệng của ông A không có người làm chứng nên di chúc đó không hợp pháp và không có giá trị pháp lý.

 

Trường hợp năm 2009 được biết ông A có nói miệng cho con 2 con gái là D và E tiền mặt và tuyên bố sẽ không chia đất cho 2 người con gái đó. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa thể xác định được ông A đã cho tiền 2 con gái hay không và việc tuyên bố sẽ không chia đất cho 2 con gái chỉ là nói miệng và không có người làm chứng. Do đó, việc tuyên bố của ông A sẽ không có giá trị pháp lý.

 

Do di chúc của ông A không hợp pháp nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…”.

 

Căn cứ quy định trên, phần di sản thừa kế sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm 4 người con C, D, E và F, mỗi con sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Tại Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia di sản theo pháp luật như sau:

 

1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

 

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

 

Như vậy, căn cứ quy định trên, trường hợp gia đình anh/chị không thỏa thuận được vấn đề chia di sản thừa kế thì gia đình nên làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn