Cao Thị Hiền

Đầu thú và tự thú có được coi là tình tiết giảm nhẹ không?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Một trong những nguyên tắc khi xử lý đối với người phạm tội là nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp,...và khoan dung đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, bồi thường khắc phục hậu quả xảy ra.

1. Định nghĩa đầu thú và tự thú

Căn cứ Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khái niệm đầu thú và tự thú như sau:

Điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Từ các khái niệm trên có thể thấy, đầu thú và tự thú là người phạm tội đều tự nguyện khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Điểm khác nhau là ở hai khái niệm này là việc đầu thú là hành vi phạm tội đã được phát hiện còn việc tự thú thì hành vi phạm tội chưa được phát hiện.

2. Đầu thú và tự thú có được coi là tình tiết giảm nhẹ không?

Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”

Như vậy, căn cứ vào điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người phạm tội tự thú là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn đối với hành vi đầu thú tại khoản 2 Điều 51 có quy định tòa án có thể coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Quy định về người phạm tội đầu thú, tự thú

Điều 152 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người phạm tội đầu thú, tự thú như sau:

“1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.”

Như vậy, người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận nhận phải lập biên bản về việc tự thú, đầu thú. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận người tự thú phải kịp thời thực hiện các yêu cầu và các hoạt động theo quy định của pháp luật và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đồng thời đảm bảo những biện pháp cần thiết để giải quyết vụ án.

Lời đầu thú, tự thú là một trong những tài liệu quan trọng để giải quyết vụ án hình sự. Việc đầu thú, tự thú không chỉ giúp cho cơ quan có thẩm quyền sớm phát hiện và ngăn chặn những hành vi phạm tội mà còn tác động tích cực đến những đối tượng khác đã hoặc đang có hành vi phạm tội buộc họ phải kiếm chế hành vi phạm tội của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh