LS Vũ Thảo

Đấu thầu mua sắm hàng hóa ba dự án có chung một loại hàng hóa giải quyết như thế nào?

Tư vấn trường hợp đấu thầu mua sắm hàng hóa ba dự án đều có chung một loại hàng hóa. Mỗi dự án đều mua sắm hai loại hàng hóa. Vậy việc đấu thầu mua sắm hàng hóa đối với ba dự án trên như thế nào để phù hợp với Luật đấu thầu?

 

Nội dung tư vấn: Chào Luật sư, Tôi xin được Luật sư tư vấn cho về vấn đề đấu thầu mua sắm hàng hoá. Đơn vị tôi đang công tác, có 3 Dự án. Mỗi Dự án đều có Quyết định phê duyệt dự toán riêng biệt. Mỗi Dự án đều mua sắm 2 loại hàng hoá. Tuy nhiên, 3 Dự án này đều có chung 1 loại hàng hoá. Tôi xin tóm tắt cho dễ hiểu như sau: Dự án 1: phải mua sắm 2 loại hàng hoá bao gồm: “HH1” + “HC”; Dự án 1: phải mua sắm 2 loại hàng hoá bao gồm: “HH2” + “HC”; Dự án 1: phải mua sắm 2 loại hàng hoá bao gồm: “HH3” + ”HC”; Như vậy cả 3 Dự án đều mua chung loại hàng hoá là “HC”. Vì thời gian triển khai thực hiện 3 Dự án này đều tương đương nhau (đều bắt đầu từ tháng 3/2018). Tôi xin được Luật sư hướng dẫn việc mua sắm hàng hoá đối với hàng hoá “HC” để phù hợp với Luật đấu thầu: Tiến hành đấu thầu mua sắm hàng hoá “HC” chỉ 1 lần (Cả 3 dự án chỉ đấu thầu 1 lần) hay 3 lần (mỗi dự án đấu thầu 1 lần)? Việc đấu thầu mua sắm hàng hoá HC 3 lần có vi phạm Điều 89 Luật Đấu thầu hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật Sư!

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

Trong trường hợp của bạn, có thể linh động lựa chọn việc đấu thầu một lần với ba dự án hoặc mỗi dự án đấu thầu một lần, tùy vào tính chất của các dự án đấu thầu, tư cách các nhà thầu tham gia đấu thầu. Nếu các nhà thầu đầu đồng ý điều kiện đối với cả ba dự án, các nhà thầu tham gia với tư cách hợp lệ và phải bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu thì việc đấu thầu có thể diễn ra một lần. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư được quy định tại Điều 5 Luật đấu thầu 2013 như sau:

 

"1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

 

b) Hạch toán tài chính độc lập;

 

c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

 

d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

 

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

 

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;

 

g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

 

h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

 

2. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

 

b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

 

c) Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

 

d) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

 

đ) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

 

3. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.

 

Tuy  nhiên, trường hợp này thực tế khó có thể xảy ra. Vì khi tổ chức đấu thầu, mỗi dự án sẽ đòi hỏi những điều kiện, yêu cầu nhất định, các nhà thầu sẽ xem xét vào đó để tham gia đấu thầu, khó có nhà thầu nào sẽ đáp ứng đồng thời yêu cầu của cả ba dự án trên. Ví dụ có những nhà thầu muốn tham gia đấu thầu dự án 1, nhưng không muốn tham gia đấu thầu dự án 2, thì buộc đơn vị phải chia ra thành mỗi dự án đấu thầu một lần. Trên thực tế, người ta thường ưu tiên áp dụng tiến hành đấu thầu mua sắm hàng hóa thành ba lần đấu thầu tương ứng với mỗi dự án.

 

Trong Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định các hành vi cấm trong đấu thầu thì không có quy định nào cấm việc tổ chức đồng thời ba dự án trong một lần đấu thầu hay ba lần đấu thầu. Do đó, đơn vị bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn hình thức tiến hành đấu thầu dự án, miễn là đảm bảo việc đấu thầu diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được những nguyên tắc trong đấu thầu và không vi phạm quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vũ Thị Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo