Nguyễn Thu Trang

Đất thổ cư là gì? Quy định về đất thổ cư

Trong cuộc sống thường ngày, khi nhắc đến đất đai, phần lớn mọi người sẽ nghĩ đến “đất thổ cư”. Vậy đất thổ cư là gì? Các quy định về đất thổ cư thế nào?... sẽ được Luật Minh Gia phân tích dưới đây.

1. Đất thổ cư là gì?

Trong hệ thống các văn bản pháp luật đất đai Việt Nam không có quy định nào nhắc đến khái niệm “đất thổ cư”. Về nguồn gốc của từ “đất thổ cư”, “Thổ cư” là một từ Hán – Việt để chỉ loại đất dùng để ở, sinh sống trên đó. (Thổ nghĩa là đất, cư nghĩa là ở).

Như vậy, “đất thổ cư” là cách gọi để chỉ loại đất được sử dụng vào mục đích để ở của con người.

2. Quy định của pháp luật về đất ở (đất thổ cư)

Đối với đất ở (thường được gọi là đất thổ cư), pháp luật có các quy định sau:

2.1. Phân loại đất ở

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai 2013, đất ở (hay thường được gọi là đất thổ cư) được chia thành 02 loại gồm đất ở nông thôn (kí hiệu ONT) và đất ở đô thị (Kí hiệu: OĐT).

2.2. Nguồn gốc sử dụng đất ở

Căn cứ quy định tại Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Một số trường hợp hợp sử dụng đất nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định thì Nhà nước xem xét “Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất” đối với đất ở khi có đủ điều kiện được công nhận.

Các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất không áp dụng đối với đất ở.

2.3. Thời hạn sử dụng đất ở

Theo quy định tại Điều 125 Luật Đất đai 2013, đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng được sử dụng ổn định lâu dài.

2.4. Sử dụng đất ở và hạn mức đất ở

a, Đất ở tại nông thôn (Điều 143 Luật Đất đai 2013)

- Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

- Việc phân bổ đất ở tại nông thôn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

- Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp.

b, Đất ở tại đô thị (Điều 144 Luật Đất đai 2013)

- Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị hiện đại.

- Nhà nước có quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại đô thị, có chính sách tạo điều kiện để những người sống ở đô thị có chỗ ở.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.

- Việc chuyển đất ở sang đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường đô thị.

2.5. Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở

a, Bồi thường về đất

Khi Nhà nước thu hồi đất ở, người sử dụng đất được bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường bằng đất ở khi đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở cụ thể như sau:

- Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;

- Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

- Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.

- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật đất đai 2013 thì được bồi thường về đất.

b. Bồi thường về tài sản gắn liền với đất

thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất

- Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

- Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

- Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

- Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

Và bồi thường một số tài sản khác được tạo lập hợp pháp trên đất.

Lưu ý: có một số trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất do được tạo lập trái quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng,…

c, Các khoản hỗ trợ

Nhà nước xem xét hỗ trợ với người sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở, căn cứ quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của từng địa phương để đưa ra một/nhiều trong số các khoản hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;

- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;

- Hỗ trợ khác.

Trên đây là một số nội dung phân tích của Luật Minh Gia liên quan đến loại đất thường được gọi là “đất thổ cư”. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những kiến thức pháp lý cần thiết để rõ hơn về loại đất này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo