Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đánh người bị thương khi người đó tự ý xông vào nhà mình xử lý thế nào?

Buổi đêm A cầm dao xông vào nhà khi mẹ chồng tôi mở cửa nhà, trong lúc xô xát mẹ tôi bị trẹo tay, bố tôi bị tím ở mắt. Mẹ tôi làm cho A bị thương. Khi công an tới thì A kêu dao là của gia đình tôi và nói mình bị thương rất nặng phải nằm viện. Trường hợp này thì sẽ được giải quyết như thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Xin chào luật sư, tôi muốn tư vấn vấn đề của nhà chồng tôi như sau: Có người (A) đêm xông vào nhà bố chồng tôi khi mẹ tôi mở cửa. Trong lúc xô xát mẹ tôi bị trẹo tay, bố tôi bầm tím mắt, người xông vào nhà có cầm dao. Trong lúc giằng co mẹ tôi làm kẻ xông vào nhà bị thương. Nhưng khi công an tới thì A kêu dao là của nhà tôi và kẻ bị thương thì nói bị thương rất nặng đi nằm viện. Trong quá trình nằm viện A xin chiếu chụp nhiều lần và nằm phòng tự chọn. Tôi muốn hỏi sự việc sẽ giải quyết như thế nào ạ. Tôi xin cảm ơn!

 

 

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi thắc mắc tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp A đã xông vào nhà của bố mẹ chồng bạn mà chưa được sự đồng ý của bố mẹ chồng bạn thì hành vi này của A có thể phải chịu trách nhiệm về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

 

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

 

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

 

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp phápvào chỗ ở của họ;

 

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

...”

 

Đối với hành vi của bố mẹ bạn, do thông tin mà bạn cung cấp còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên không thể xác định rõ hành vi của A khi xông vào nhà bố mẹ bạn ở mức như thế nào để xác định hành vi của bố mẹ bạn có phải là phòng vệ chính đáng hay không, vì vậy ta chia làm các trường hợp sau:

 

Trường hợp nếu như A xông vào nhà và có hành vi làm nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng hoặc tài sản của gia đình bố mẹ chồng bạn ở mức độ đáng kể sau đó bố mẹ bạn có hành vi chống trả một cách cần thiết để hạn chế hành vi của người này thì đây được coi là trường hợp phòng vệ chính đáng, nếu có gây thương tật cho phía bên kia lớn hơn so với thương tật mà A gây ra cho bố mẹ bạn thì thì bố mẹ bạn cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

 

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Trường hợp nếu như hành vi xông vào nhà, gây gổ và gây thiệt hại cho bố mẹ chồng bạn nhưng bố mẹ chồng bạn có hành vi chống trả quá mức cần thiết không phù hợp với mức độ hành vi gây nguy hiểm mà A gây ra thì hành vi này của bố mẹ bạn được coi là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Khoản 2 quy định nêu trên.

 

Nếu sau khi điều tra mà cơ quan công an xác nhận hành vi này của bố mẹ chồng bạn là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bố mẹ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017):

 

“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

 

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

 

Trong trường hợp này nếu A đi giám định mà kết quả giám định với tỉ lệ bị thương tật trên 31% thì bố mẹ chồng bạn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội này, nếu dưới 31% thì bố mẹ bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính.

 

Trân trọng!
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo