Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đăng ký khai sinh cho con mang họ mẹ

Nhờ luật sư tư vấn giúp về đăng ký khai sinh như sau: Tôi chưa có chồng nhưng đã có thai hơn 6 tháng (tháng 9 này sẽ sinh con), cha của đứa trẻ không nhìn nhận con của mình và trả lời rằng sẽ đợi đứa trẻ ra đời và thử ADN để xác định chính xác cha của đứa trẻ. Như vậy tôi có thể làm khai sinh cho con mang họ mẹ được không ? Pháp luật có công nhận không ? và các thủ tục giấy tờ như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Khi đứa trẻ sinh ra thì bạn có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con nếu người cha không thừa nhận con của mình thì chị có thể yêu cầu Tòa án xác định cha con. Nếu người cha làm thủ tục nhận cha con thì khi đó tên của người cha được ghi trong giấy khai sinh của con.Khoàn 2 Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.”

Như vậy nếu người cha của bé đã thực hiện thủ tục nhận cha con theo đúng quy định của pháp luật thì khi đó họ của con được xác định theo thỏa thuận của hai anh chị, trường hợp không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán. Nếu thực tế chưa xác định được cha thì họ của con theo họ mẹ.

Thủ tục đăng ký khai sinh:

 - Chị nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật hộ tịch năm 2014 vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Nếu kết hợp việc đăng ký khai sinh cho con cùng với thủ tục nhận cha con thì anh, chị cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì có thể nộp tại nơi người cha hoặc người con hiện tại đang cư trú.

- Khai sinh cho con muốn mang họ của mẹ được không?

Chào luật sư, cho em hỏi: Vợ chồng em lấy nhau vào cuối năm 2016 và t10 năm 2017 thì e có hạ sinh một bé trai nhưg đến nay con e đã hơn 3thag tuôi và em vẫn chưa làm giấy khai sinh cho con vì vợ chồng em có một số chuyện trục trặc nên không làm giấy đăng ký kết hôn...vậy nen em muốn làm giấy khai sinh cho con mang họ của mẹ hay sau này nếu vợ chồng em bình thuòng trở lại thì em có thể đổi họ lại cho con mang họ của bố được không. xin văn phòng tư vấn giúp e với ạh

Tư vấn:Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Khoản 2 điều 26 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ."

Do vậy, con được sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung. Chị muốn khai sinh cho con mang họ của mình thì phải có sự thỏa thuận với người chồng. Nếu không có thỏa thuận thì phải theo tập quán địa phương để xác định họ của con.

---

- Tư vấn về việc thay đổi họ, tên theo quy định pháp luật

Thưa luật sư, Tôi năm nay 24 tuổi,em trai 18 tuổi, do lí do cá nhân nên giấy khai sinh tôi mang họ mẹ và bố mẹ tôi không có đăng ký kết hôn.Nay bố mẹ tôi muốn làm thủ tục nhận con ngoài giá thú và đổi họ tôi và em trai từ họ mẹ sang họ bố ( được sự đồng ý của mẹ và chị em tôi). Nhờ văn phòng hướng dẫn dùm tôi thủ tục đổi họ, ngoài ra những giấy tờ tuỳ thân và bằng cấp mang tên tôi sẽ phải thay đổi như thế nào?

Tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau:

Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền thay đổi họ như sau:

“Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

... d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

...

2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.”

Như vậy đối với trường hợp của bạn, bạn em trai bạn muốn đổi từ họ mẹ sang họ bố là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên phải được sự đồng ý của bạn và em trai bạn. Khi đó bố bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ của con.

Thủ tục thay đổi họ bạn thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014:

"1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch."

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo