Dàn cảnh tai nạn giao thông để cướp tài sản bị xử lý thế nào?
Sau đó người này yêu cầu tôi đưa tiền nhưng do tôi k có tiền nên tôi nói với họ tôi không có tiền cho các anh, sau đó người này ra lệnh yêu cầu tôi đưa tiền cho anh ta, nếu không đưa anh ta sẽ đánh. và lặp lại câu nói đó 2 lần,khi vừa dứt yêu cầu đưa tiền lần thứ 2, người này chửi tôi và lập tức đâm dao vào ngực trái của tôi làm tôi bị thủng phổi, thấu tim. gây mất máu nhiều, sau đó tôi có quỳ xuống khóc và van xin quỳ lại người đó tha cho tôi, nhưng anh ta vẫn cứ hung hăng xông tới định đâm tôi thêm nhiều nhát dao nữa, thì tên đồng bọn đi chung đã ngăn lại k cho đâm và cả hai nhào vô dùng gạch ống đập đầu tôi đến ngất, chúng tưởng tôi chết nên quay ra cướp xe, nhưng do xe hư chúng không dẫn xe chạy đi được và lúc đó có xe khách gọi đèn và bóp kèn, chúng sợ bị phát hiện nên đã cùng đồng bọn nhanh chân nhảy lên xe và tẩu thoát. Tôi được người đi đường phát hiện và chở vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thủng phổi trái, thấu tim gây tràn dịch màng phổi, màng tim. sau khi mổ cấp cứu chữa phổi và nằm viện 18 ngày tôi được chuyển lên tuyến trên để mổ tim do vết đâm làm đứt dây chằng van 2 lá, rách lá trước van 2 lá và hở van 2 lá nặng 3/4. Sau 23 ngày nằm viện điều trị tôi mới bình phục nhưng sức khỏe vẫn còn yếu. Bốn tên tội phạm đã bị công an bắt giữ và khởi tố vụ án, trong đó tên tội phạm đâm tôi 18 tuổi, từng có 1 tiền án tiền sự cướp tài sản,ở tù 2 năm và mới ra tù hồi tháng 2 và 1 người 24 tuổi ,2 người 17 tuổi. Nay tôi gửi email này đến luật sư để được tư vấn và hướng dẫn tôi để biết trình tự làm thủ tục tố tụng Với thương tích của tôi thì các tên tội phạm sẽ chịu án hình phạt như thế nào? cao nhất là bao nhiêu? và phải bồi thường tôi như thế nào? trong trường hợp con nuôi phạm tội thì cha mẹ có chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả hay chịu trách nhiệm liên đới hay không? và nếu như người con nuôi đó không có tiền hay tài sản để bồi thường thì sẽ như thế nào? Còn trường hợp 2 người 17 tuổi thì sẽ xử như thế nào, có bồi thường hay không và chịu mức án hình phạt cao nhất là bao nhiêu? Rất mong được Luật sư tư vấn và giúp đỡ .
Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau (thời điểm hỏi và trả lời tư vấn - tháng 3/2017):
Theo thông tin anh chị cung cấp thì nhóm thanh niên kia đã có ý định cướp tài sản và thực hiện hành vi giết người để nhằm mục đích cướp tài sản (việc bạn may mắn thoát chết nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội). Với hành vi này, nhóm thanh niên có thể bị truy cứu TNHS về Tội giết người (Điều 93) và Tội cướp tài sản (Điều 133):
Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ xem xét hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS của mỗi cá nhân để quyết định khung hình phạt cụ thể của nhóm thanh niên.
- Về trách nhiệm bồi thường: Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015:
"1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường".
Như vậy, đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường, người từ đủ 15 tuổi - 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.
Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất