Luật gia Nguyễn Nhung

Có thể vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hay không?

Luật sư tư vấn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội môi giới mại dâm? Nếu được Tòa án triệu tập thì có quyền cự tuyệt không lên được không ạ? Nội dung tư vấn như sau:

 

Năm 2016 cô cháu được nhờ đứng tên trên giấy phép kinh doanh của một quán cafe nhỏ cho một người bạn. Có một hôm đang bán thì bị mấy chú công an bắt về tội môi giới mại dâm ở một khách sạn gần đó và bị yêu cầu lên phường làm việc. Lúc đó cô cháu không có mặt ở đó nhưng một lúc sau cô đi qua thấy đông nên cô vào xem và cũng bị mời lên ạ. Cô cháu hợp tác điều tra rồi họ cho cô cháu về có trả tất cả giấy tờ cho cô cháu trừ giấy phép kinh doanh. Họ có tìm trong điện thoại của cô cháu mà không có bất kì liên lạc nào với mấy cô bán dâm hết mà người nhờ cô cháu đứng tên mới có ạ. Vậy cô cháu có bị tố cáo không ạ? Tới năm 2018 thì công an họ tới nói là viện kiểm sát mở lại vụ án và yêu cầu cô cháu có mặt vậy thời gian kéo dài như vậy có bị tố cáo xử phạt không ạ? Với lại mình có quyền cự tuyệt không lên được không ạ?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi và bổ sung 2009 có quy định về tội môi giới mại dâm như sau:

 

“Điều 255. Tội môi giới mại dâm

 

1. Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 

a) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

 

b) Có tổ chức;

 

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

d) Phạm tội nhiều lần ;

 

đ)  Tái phạm nguy hiểm;

 

e) Đối với nhiều người;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.”

 

Hành vi môi giới mại dâm của người phạm tội được thực hiện với thủ đoạn khác nhau như: dụ dỗ hoặc dẫn dắt với vai trò người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm, không nhất thiết phải biết cụ thể người bán dâm cho người nào hoặc người mua dâm với ai.

 

Cô bạn có bị khởi tố hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra xác minh sự thật vụ án của cơ quan điều tra. Nếu đủ chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

 

Bộ luật hình sự 1999 cũng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

 

“Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

 

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

 

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

 

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

 

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

 

d)  Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

 

 Tội môi giới mại dâm được xác định là tội phạm nghiêm trọng theo Khoản 3, Điều 8 BLHS 1999 nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

 

 Việc cô bạn có bắt buộc tham gia phiên tòa hay không phụ thuộc vào vai trò của cô trong vụ án hình sự là bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay người làm chứng. Cụ thể:

 

Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định như sau:

 

“Điều 187. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

 

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

 

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

 

Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.”

 

 Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Như vậy, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể vắng mặt nếu như sự vắng mặt này không gây trở ngại cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

 

Nếu cô của bạn là người làm chứng thì phải tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án hoặc trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó và có thể vắng mặt. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt và cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải. Thủ tục dẫn giải người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo