Có thể ủy quyền tố giác tội phạm không?
1. Tố giác tội phạm là gì? Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm
Khái niệm tố giác tội phạm: Khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.” Như vậy, tố giác tội phạm được hiểu là sự tố cáo của công dân về hành vi nào đó mà họ cho rằng hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm. Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với các cơ quan, tổ chức.
Phân biệt tố cáo với tố giác tội phạm: Điều 2 Luật tố cáo 2018 quy định tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Còn tố giác về tội phạm chỉ bao gồm hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Như vậy ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu tố giác về tội phạm là tố cáo về hành vi phạm tội, khái niệm tố cáo đã bảo hàm khái niệm tố giác tội phạm.
2. Có thể tố giác tội phạm đến cơ quan nào?
Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức khác bất kể là cơ quan, tổ chức nào khi công dân tố giác tội phạm đều có trách nhiệm tiếp nhận. Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác về tội phạm như sau:
“2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.”
Pháp luật quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho cơ chế thông tin về tội phạm được nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia rộng rãi là thuận tiện vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc đấu tranh với tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
3. Uỷ quyền là gì? Có thể ủy quyền tố giác tội phạm không?
Căn cứ Điều 134, Điều 138 Bộ luật dân sự 2015, đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, đại diện theo ủy quyền là việc cá nhân ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Hành vi tố giác tội phạm không phải là giao dịch dân sự được định nghĩa tại Bộ luật dân sự 2015, do đó không thể áp dụng quy định về đại diện theo ủy quyền đối với việc tố giác tội phạm.
Do khái niệm tố cáo đã bao hàm khái niệm tố giác tội phạm. Theo quy định tại Điều 25 Luật tố cáo 2018 người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định. Theo đó, việc tố giác tội phạm cũng không được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền tố giác.
4. Tố giác tội phạm sai sự thật bị xử lý thế nào?
Theo khoản 5 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật.
Điều 9 pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định mức phạt đối với hành vi tố giác tội phạm sai sự thật như sau:
- Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, trừ trường hợp người thực hiện hành vi là luật sư quy định tại khoản 3 Điều 9 pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15:
+ Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
- Trường hợp luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 nên trên sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật nêu trên.
Bên cạnh đó, pháp luật hình sự cũng có quy định người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất