Phạm Việt Hằng

Có thể khởi kiện đòi lại tiền đã cho vay khi hết thời hiệu?

Vấn đề cho vay ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Đa phần khi cho vay, người cho vay sẽ lập thành hợp đồng vay hoặc giấy viết tay nhằm mục đích chứng minh cho thỏa thuận cho vay đó. Tuy nhiên, có không ít trường hợp vì mối quan hệ thân thiết hoặc nhiều lý do khác mà việc cho vay không được lập thành văn bản hoặc nội dung cho vay ví dụ như lãi xuất không được thể hiện trong hợp đồng vay. Điều này gây không ít khó khăn khi có tranh chấp xảy ra. Vậy trong trường hợp này, người cho vay có thể khởi kiện để đòi lại số tiền cho vay hay có thể khởi kiện khi hết thời hiệu theo quy định được không? Tình huống sau đây là một ví dụ.

Câu hỏi:

Năm 2011 tôi cho bạn vay số tiền 700 triệu (có giấy vay tiền, vay không kỳ hạn), (hai bên thoả thuận miệng lãi là 2%/tháng). Năm 2014 tôi cho bạn vay số tiền 800 triệu (có giấy vay tiền, vay không kỳ hạn), (hai bên thoả thuận miệng lãi là 2%/tháng). Đến tháng 12/2016 hai bên làm giấy chốt nợ: gốc 1,5 tỷ gốc và lãi 1,4 tỷ. Đến nay bạn tôi không trả tiền cho tôi nay tôi khởi kiện yêu cầu: đòi 1,5 tỷ gốc và 1,4 tỷ tiền lãi đã chốt nợ và tiền lãi trên 1,5 tỷ nợ gốc đến ngày xét xử được không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

1. Giá trị pháp lý phần lãi suất vay khi thỏa thuận bằng miệng:

Tại khoản 1 Điều 119 quy định điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự nói chung như sau: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”, đối với hợp đồng vay tài sản không có quy định về việc bắt buộc đăng ký, công chứng chứng thực hợp đồng hay bắt buộc phải tạo lập thành văn bản thì mới có hiệu lực. Hợp đồng vay tài sản được thỏa thuận bằng miệng là hoàn toàn hợp pháp khi đáp ứng đủ yếu tố về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 gồm: yếu tố chủ thể, tính tự nguyện của các bên tham gia giao dịch, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của xã hội.

Do đó, theo quy định trên phần lãi suất được thỏa thuận bằng miệng vẫn có giá trị pháp lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

  1. Mức lãi suất cho vay như thế nào là phù hợp với quy định pháp luật:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Theo quy định trên, phần lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm, trong trường hợp của bạn lãi suất là 2%/tháng do đó tổng lãi suất cho 01 năm là 24%. Mức lãi suất này vượt quá 20% theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo đó, phần lãi suất vượt quá quy định sẽ không có hiệu lực. Nên khi tiến hành khởi kiện, Tòa án sẽ căn cứ xem xét lại mức lãi suất cho vay và tính lại mức lãi suất cho vay theo đúng quy định pháp luật và đưa ra kết luận về số tiền lãi phù hợp. Do đó, bạn có thể không đủ căn cứ để nhận đủ số tiền lãi như bạn đã tính cho trường hợp trên.

2. Có thể khởi kiện và nhận tiền lãi trên 1,5 tỷ nợ gốc đến ngày xét xử được không?

Theo trình bày của bạn thì hợp đồng vay giữa bạn và người vay là hợp đồng không có kỳ hạn và có lãi suất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:

“Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu khởi kiện:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Ngoài ra, tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP có quy định như sau:

"b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

..."

Từ quy định này có thể thấy, đối với hợp đồng khởi kiện đòi tài sản là tiền là trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân/tổ chức. Trong trường hợp này thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp thời hiệu khởi kiện mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản đã hết thì bên cho vay vẫn có thể khởi kiện để đòi lại tiền gốc từ bên vay nếu thực hiện đúng quy trình, thủ tục tố tụng của pháp luật dân sự.

Đối với phần lãi suất, nếu tính từ thời điểm cuối cùng bạn yêu cầu bên vay trả lãi và được bên vay phản hồi lại đến nay đã quá thời hạn 03 năm thì trong trường hợp này đã vượt quá thời hiệu khởi kiện, bạn sẽ không có căn cứ để khởi kiện đòi lại theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc gửi về hòm thư tư vấn của chúng tôi để được hướng dẫn.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo