LS Vũ Thảo

Có được nhập 2 quốc tịch cho con hay không?

Trẻ em sinh ra có được mang hai quốc tịch không? Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Quốc tịch

Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

Nhằm mục đích hạn chế tình trạng không quốc tịch, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bạn muốn con sinh ra mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài hoặc nhập quốc tịch nước ngoài cho con thì ngoài các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, bạn cần phải tham khảo các quy định của nước mà bạn muốn nhập quốc tịch.

Vì vậy, nếu bạn không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc nhập quốc tịch Việt Nam, bạn có thể liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp nhập hai quốc tịch cho con

Câu hỏi:

Đoàn Luật Sư Minh Gia xin tư vấn giúp em về việc làm giấy khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài. Em là người Việt Nam, dân tộc Kinh. Em đã có đăng kí kết hôn với chồng em là người Trung Quốc, dân tộc Tuja tại Trung Quốc. Hiện tại 2 vợ chồng em đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Sắp tới thang 3/2019 em sẽ sinh em bé.

Hai vợ chồng em mong muốn con em mang quốc tịch Trung Quốc theo chồng em.Tạm thời thì 2 vợ chồng em sẽ ở Việt Nam, nhưng sau này em và con em sẽ định cư luôn tại Trung Quốc.Theo như được biết thì em sinh con tại Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi cho con thì em sẽ khai sinh cho bé tại Việt Nam. Và nếu muốn theo quốc tịch của cha thì khi làm giấy khai sinh phải có giấy thỏa thuận quốc tịch cho con của cha mẹ được kí xác nhận và được cơ quan thẩm quyền tại Trung Quốc duyệt .Cho em hỏi giấy này em làm trước được không, có thời hạn bao lâu. hay là phải sinh xong thì mới làm được. Và nếu em muốn con em có cả 2 quốc tịch thì có làm được không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 16 Luật quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam như sau:

"2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam."

Và Điều 36 Luật hộ tịch 2014 quy định thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

"1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân."

Như vậy, tại thời điểm đăng ký khai sinh cho con mà vợ chồng bạn có thỏa thuận bằng văn bản nhập quốc tịch Việt Nam cho con thì con bạn sẽ mang quốc tịch Việt Nam. Trường hợp vợ chồng bạn lựa chọn quốc tịch Trung Quốc cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Trung Quốc. Pháp luật hiện tại không có quy định cụ thể về thời hạn của văn bản thỏa thuận quốc tịch của con, tuy nhiên tại thời điểm đăng ký khai sinh cho con thì vợ chồng bạn phải cung cấp được văn bản này thì cơ quan đăng ký hộ tịch mới có căn cứ để nhập quốc tịch cho con bạn. Bạn có thể tham khảo mẫu văn bản thỏa thuận tại đây: Mẫu văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con

Trường hợp con bạn đã mang quốc tịch Việt Nam mà vợ chồng bạn muốn nhập thêm quốc tịch Trung Quốc cho con thì bạn cần tìm hiểu pháp luật Trung Quốc có cho phép 2 quốc tịch hay không? Nếu có thì thủ tục nhập quốc tịch cho con bạn sẽ tuân theo pháp luật Trung Quốc. Trong 2 năm kể từ ngày con bạn có quốc tịch Trung Quốc, bạn phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc hoặc Sở Tư pháp nơi vợ chồng bạn cư trú ở Việt Nam về việc con bạn có quốc tịch nước ngoài (theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ-CP). 

Nếu vợ chồng bạn đã lựa chọn quốc tịch Trung Quốc cho con trước và muốn nhập thêm quốc tịch Việt Nam cho con thì bạn cần thực hiện theo các quy định tại Điều 19, 20, 21 Luật quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014. Cụ thể:

Điều 19 Luật quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

"2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép...."

Vì con bạn nhập quốc tịch Việt Nam theo trường hợp là con đẻ của công dân Việt Nam nên theo Điều 20 Luật quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014 bạn cần chuẩn bị hồ sơ nhập quốc tịch cho con gồm:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Ban sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế

- Bản khai lý lịch

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ. 

Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tuân thủ theo quy định tại Điều 21 của Luật Quốc tịch:

"1. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam

....

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định."

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo