Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Có được hưởng di sản thừa kế của chồng khi không đăng ký kết hôn?

Thưa luật sư, cho tôi hỏi thắc mắc trường hợp khi không có đăng ký kết hôn thì có được hưởng thừa kế của chồng hoặc vợ không, cụ thể như sau: Tôi và chồng tôi tổ chức đám cưới vào năm 2000 có sự chứng kiến, ủng hộ của hai bên gia đình, bè bạn và cơ quan nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi chưa kịp sinh con thì bất ngờ vào 2002, chồng tôi bị tai nạn và đã mất.

Sau khi chồng tôi mất không lâu, phía gia đình chồng phát sinh tranh chấp về khối tài sản chung của hai vợ chồng tôi vì họ cho rằng chỉ có mẹ chồng tôi mới là người thừa kế duy nhất của anh ấy (bố chồng tôi đã mất). Xin cho biết, trước pháp luật tôi có được thừa nhận là người thừa kế của chồng tôi không? Nếu tôi làm đơn khởi kiện tranh chấp về tài sản thì quyền lợi của tôi sẽ được giải quyết ra sao? 

Có được hưởng di sản thừa kế của chồng khi không đăng ký kết hôn?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo tinh thần của Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 được hướng dẫn bới Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTPthì nếu:

Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng...nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết.

Như vậy, tuy vợ chồng chị cưới nhau vào năm 2000 nhưng không đăng kí kết hôn nên theo quy định pháp luật anh chị sẽ không được công nhận là vợ chồng.

Và căn cứ tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Do đó, theo quy định pháp luật, chị không thuộc hàng thừa kế nên sẽ không được hưởng di sản thừa kế của chồng (trừ trường hợp chồng chị có để lại di chúc cho chị hưởng di sản thừa kế).

Trong trường hợp, nếu chị có yêu cầu chia tài sản chung của hai người thì tòa sẽ áp dụng quy định tại Điều 16 Luật hôn nhân gia đình 2014 cụ thể là: “1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Sau khi phân chia xong tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản của chồng chị sẽ là di sản thừa kế. Nếu chồng chị có di chúc để lại và di chúc này hợp pháp sẽ phân chia theo di chúc đó. Còn nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế để lại sẽ được phân chia theo pháp luật. Theo đó, những người ở hàng thừa kế thứ nhất là mẹ chồng của chị, con của chị sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và bằng ½ di sản thừa kế mà chồng chị để lại theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

- Thừa kế theo pháp luật và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật?

Luật sư cho tôi hỏi thắc mắc về thừa kế và chia thừa kế theo pháp luật như sau: Trước đây cha em có 2 đời vợ nhưng không có đăng ký kết hôn và 5 người con, sau này cha cưới mẹ, có giấy kết hôn và có mình em là con chung. Cha em bệnh và mất nay 3 năm, thì các chị kia về đòi chia đất, trong khi cha còn sống thì không 1 ai quan tâm, thăm hỏi, cha bệnh cũng không hỏi tới.

Khi cha còn sống có làm lại sổ đỏ và để mẹ em thừa kế nhưng không có di chúc, sau khi cha mất mẹ đã sang tên qua mẹ làm chủ. Vậy giờ nếu các người con riêng kia kiện ra tòa thì mẹ em có phải chia đất hay không? Chi phí khi ra tòa được tính như thế nào? Ở ấp và xã có quyền phân xử và chia đất không? Em xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật

1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của gia đình thì 5 người con kia đều là con ruột của bố bạn. Do đó, khi bố bạn mất đi không để lại di chúc nên toàn bộ di sản để lại (quyền sử dụng đất) sẽ chia đều cho những người thừa kế (mẹ, bạn và 5 người con kia của bố). Tuy nhiên, đối với quyền sử dụng đất mẹ bạn đã tự ý sang tên sau khi bố bạn mất có phải chia cho các thừa kế hay không thì cần phải xác định rõ việc mẹ bạn sang tên có căn cứ hay không - nếu mẹ bạn sang tên mà không có giấy tờ tặng cho, thừa kế hợp pháp thì đương nhiên việc mẹ bạn được cấp giấy chứng nhận là trái với quy định pháp luật nên sẽ bị thu hồi và di sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của bố bạn.

Theo đó, khi các đồng thừa kế (5 người con riêng của bố) khởi kiện ra Tòa thì đương nhiên quyền sử dụng đất sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế. Nếu mẹ bạn muốn sử dụng toàn bộ diện tích đất thì sẽ thanh toán phần giá trị (tiền) tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng (khi đã khởi kiện ra Tòa thì thẩm quyền giải quyết phân chia thuộc về Tòa án; ủy ban xã, phường, ấp không có quyền giải quyết việc phân chia đất).

- Án phí sơ thẩm khi giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự tại Tòa:

Trong trường hợp của bạn do có sự tranh chấp về chia thừa kế nên để xác định án phí phải nộp sẽ phải căn cứ vào giá trị tài sản tranh chấp. Theo đó, gia đình bạn có thể dựa vào bảng áp dụng mức án phí dưới đây để đối chiếu với trường hợp của bạn để xác định. Cụ thể:

Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: 300.000 đồng

Án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: 300.000 đồng

Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 300.000 đồng

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp

Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Có được hưởng di sản thừa kế của chồng khi không đăng ký kết hôn? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế để được giải đáp..

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn