Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Cổ đông sáng lập chuyển nhượng vốn có cần làm lại giấy đăng ký kinh doanh không?

Luật sư tư vấn về trường hợp cổ đông sáng lập của công ty chuyển nhượng cổ phần: điều kiện, thủ tục. Nội dung cụ thể như sau:

Nội dung tư vấn: Em chào anh/chị. Cho em hỏi về thủ tục rút vốn cổ phần. Công ty em có 3 cổ đông (đều là cổ đông sáng lập). Bây giờ có 1 trong số 3 người muốn rút vốn, tuy nhiên, cổ đông sáng lập lại không được quyền rút cổ phần ra khỏi công ty vì vậy chỉ có thể chuyển nhượng. Cho em hỏi thủ tục và yêu cầu khi chuyển nhượng cổ phần. Trên giấy phép đăng kí kinh doanh thì lại không có tên của người này, thì có cần làm lại giấy phép đăng kí kinh doanh không ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập.

 

Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

 

3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

 

4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

 

Trường hợp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác. Đối với cổ phần phổ thông, cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng cho người khác không phải cổ đông sáng lập phải thông qua biểu quyết chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

 

Trường hợp đã qua 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình.

 

Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập.

 

Khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT quy định: 

 

 “1. Trường hợp thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần, doanh nghiệp thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP. Việc thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập chỉ áp dụng đối với công ty cổ phần chưa niêm yết”.

 

Mà tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP quy định:

 

2. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Luật doanh nghiệp. Cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông công ty theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 112 Luật doanh nghiệp và bị xóa tên khỏi Danh sách cổ đông sáng lập của công ty.

 

Như vậy, khi một trong ba cổ đông sáng lập của công ty bạn chuyển nhượng cổ phần của mình, công ty bạn sẽ không phải thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh mà chỉ cần thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng và thay đổi thông tin cổ đông trong sổ cổ đông của công ty. 

 

Trân trọng

 

Phòng Luật sư tư vấn Doanh nghiệp – Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo