LS Thanh Hương

Cờ bạc cầm cố tài sản nhưng không trả có phải đi tù?

Luật sư tư vấn về dùng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ và vấn đề xử phạt tù có đặt ra khi không thể trả nợ hay không? Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi:

Xin chào các anh/chị luật sư hiện tại có một số vấn đề liên quan đến pháp luật nhưng em chưa hiểu rõ lắm, muốn nhờ anh/chị tư vấn giúp. Em có ông anh trai đánh bạc nợ nần đi vay mượn nơi cầm đồ 20 triệu, sau đó vì không có tiền trả lại thiếu nợ bên ngoài nên vay thêm 90 triệu nữa của quán cầm đồ rồi lấy xe ô tô cắm vào đó. Nhưng bên chủ nợ bắt anh em viết giấy nợ 110 triệu, còn xe chỉ là để đấy làm chứng. Vì xe ô tô là vay của ngân hàng nên không tiêu thụ được.

Hiện giờ bên chủ nợ yêu cầu phải trả toàn bộ số tiền mới cho lấy xe, không sẽ kiện ra tòa, bên gia đình vì khó khăn không thể một lúc xoay sở nhiều tiền như thế đã xin chủ nợ cho thư thả trả nợ dần, nhưng đối phương kiên quyết không chịu. Vậy nếu bây giờ ra tòa anh em có phải chịu tội chiếm đoạt tài sản hay không? Và theo như luật phải ngồi tù mấy năm? Liệu có cơ hội được giảm nhẹ hình phạt hay không? Thực sự rất mong nhận được lời khuyên từ anh/chị, gia đình xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì giữa anh trai bạn và phí chủ tiệm cầm đồ đã xác lập một hợp đồng vay tài sản với giá trị tài sản là 110 triệu đồng. Bồ luật Dân sự 2015 có quy định cụ thể về Hợp đồng vay tài sản như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Do đó, với tư cách là bên vay tài sản, anh trai anh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo quy định cụ thể tại Điều 466 - Bộ luật Dân sư:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về cầm cố tài sản như sau:

Điều 309. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Khi đó, nếu anh trai bạn giao xe ô tô cho bên chủ tiệm cầm đồ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay thì có thể xác định việc anh trai bạn đã dùng chiếc ô tô để làm tài sản bảo đảm cho việc trả nợ đó và chiếc ô tô được coi là tài sản cầm cố. Việc cầm cố chiếc ô tô phải được đưa vào hợp đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, phía bên chủ tiệm cầm đồ đã từ chối đưa vấn đề này vào hợp đồng, mặc dù vậy bên cho vay vẫn “yêu cầu phải trả toàn bộ số tiền mới cho lấy xe” nên dù không được thể hiện trong hợp đồng thì về bản chất chiếc ô tô vẫn được hai bên coi như tài sản dùng để cầm cố cho việc thực hiện nghĩa vụ vay.

Khi đó, bên chủ tiệm cầm đồ cũng có những nghĩa vụ nhất định với chiếc ô tô của anh trai bạn, những nghĩa vụ này được quy định cụ thể tại Điều 313 như sau:

Điều 313. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố

1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

3. Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Theo đó, khi anh trai bạn thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ với bên chủ tiệm cầm đồ thì bên kia có nghĩa vụ trả lại chiếc ô tô cho anh trai bạn do nghĩa vụ đã được thực hiện xong. Bên chủ tiệm cầm đồ cũng có thể xử lý tài sản là chiếc ô tô để thay thế cho khoản nợ anh trai bạn phải trả khi đến hạn, mà anh trai bạn không trả đủ số tiền đó, nhưng chỉ có thể thực hiện điều này khi giữa hai bên đã có sự thỏa thuận từ trước hoặc pháp luật có quy định cụ thể.

Về vấn đề phía bên chủ nợ kiện anh trai bạn vì việc không thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi xác định đây là kiện dân sự do tranh chấp giữa các bên là vấn đề dân sự chứ không có dấu hiệu của vụ án hình sự.

Vấn đề bạn lo ngại anh bạn phải ngồi tù chỉ xảy ra khi vụ việc giữa hai bên có yếu tố cấu thành các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, trường hợp của anh trai bạn không có dấu hiệu dùng thủ đoạn lừa đảo hay có hành vi gian dối để chiếm đoạt khối tài sản đã vay thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm Hình sự đồng thời không đặt ra vấn đề phải chịu hình phạt án tù.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh