Luật sư Việt Dũng

Chuyển đổi tên trên GCNQSDĐ từ vợ cũ sang tên vợ mới sau khi ly hôn thế nào?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về vấn đề sang tên quyền sở hữu nhà ở từ tên vợ cũ sang tên vợ mới sau khi ly hôn với nhà chung cư trả góp theo quy định của pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi văn phòng luật sư Minh Gia.Tôi muốn hỏi về việc chuyển đổi tên người sở hữu nhà như sau:Tôi kết hôn từ năm 2009 đến nay là 9 năm (2018) và có chung một con trai 5 tuổi với chồng của tôi.Tuy nhiên, trước khi lấy tôi, chồng tôi đã có một đời vợ ( không có con chung). Họ cùng mua một căn hộ chung cư vào năm 2007 và sẽ trả góp trong vòng 15 năm đến năm 2022 kết thúc. Căn hộ được mua đứng tên chung của 2 người đó. Nhưng đến năm 2008 họ ly dị, nhà cả 2 mới trả góp chung được có 1 năm. Khi ly hôn, vợ cũ có làm giấy cam kết với ngân hàng là "không tiếp tục trả góp chung nhà" nữa và "không nhận bất cứ quyền lợi nào" từ căn nhà trên. Kể từ sau đó chồng tôi một mình tiếp tục trả tiền góp nhà cho ngân hàng mỗi tháng theo sự thỏa thuận, đồng ý của 3 bên (ngân hàng và 2 người trên).Khi kết hôn với tôi, chúng tôi tiếp tục sống chung trong căn hộ mà chồng tôi đang một mình trả góp cho đến vài năm nữa. Tuy vậy, có một sự rắc rối ở đây là; mặc dù chồng tôi là người chủ, người trả tiền cho ngân hàng về nhà mà chúng tôi đang ở, nhưng mỗi khi chúng tôi cần làm giấy tờ gì đó như cho con đi học, bảo lãnh người thân, đi nước ngoài.v.v. đều phải dùng giấy tờ sở hữu nhà, mà giấy tờ ấy luôn luôn có tên chung của 2 người mua trước đây ( tất nhiên là tên của vợ cũ) trong khi hiện nay tôi đang là vợ chính thức, hợp pháp có hôn thú đường hoàng, rõ ràng. Vấn đề đó làm cho tôi cảm thấy rất phức tạp, rắc rối vì mối quan hệ cũ, mới chồng chéo lên nhau dù chỉ trên giấy tờ!!

Vì vậy, trường hợp này tôi xin hỏi đến quý luật gia rằng; 1>. Chồng tôi có thể làm lại giấy tờ sở hữu nhà, mua nhà mà chỉ đứng tên một mình anh ấy được không?2> Tôi và chồng tôi đã kết hôn gần 10 năm và có chung với nhau một con trai, như vậy có thể làm lại giấy tờ sở hữu nhà mà có tên tôi đứng tên chung với chồng được không? 3> Sau này chồng tôi có thể làm giấy chuyển thừa kế cho con chúng tôi được không?4> Nếu có bán nhà, chúng tôi có gặp trở ngại gì không? Có bị tiếp tục liên quan đến tên vợ cũ nữa hay không?Khi mà một trong các trường hợp trên có thể làm lại được thì phải làm như thế nào? Kính xin quý luật gia tư vấn giúp tôi về vấn đề trên, thật tình tôi cảm thấy rất buồn khi mà chồng tôi đã có vợ mới, gia đình mới hợp pháp mà giấy tờ luôn luôn là tên người cũ. Tôi cũng lo các con tôi sau này sẽ thắc mắc, suy nghĩ!!Xin trân trọng cảm ơn sự nhiệt tình của quý vị!Chúc quý luật gia luôn thành công, phát triển!!Xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Mặc dù hai vợ chồng đã thực hiện thủ tục ly hôn nhưng chưa phân chia tài sản chung hợp nhất, cho nên để chồng có thể một mình đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở hoặc chị cùng đứng tên thì phải thực hiện thủ tục phân chia tài sản chung vợ chồng. Thực hiện thủ tục phân chia tài sản chung được thực hiện tại Tòa án nơi có đất. Chồng chị và vợ cũ sẽ cùng thỏa thuận về giải quyết tài sản này, nếu vợ cũ đồng ý không nhận phần phân chia hoặc tặng cho toàn bộ cho chồng  thì sau khi có quyết định hay bản án phân chia tài sản chồng chị có quyền tiến hành đăng ký biến động, ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà ở một mình tên chồng chị. 

 

Khi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã thể hiện tên chồng chị nên được thực hiện các quyền được pháp luật công nhận. Căn cứ theo quy định tại điều 10 Luật nhà ở năm 2014. Cụ thể:

 

Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

 

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

 

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

 

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

 

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

 

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

 

đ) Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

 

Theo đó, khi chồng chị được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở và được thực hiện quyền tặng cho, chuyển nhượng, cho thừa kế,.... mà không phải cần sự đồng ý của ai. Ngoài ra nếu cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận ghi nhận tên chị vào giấy chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu nhà ở thì thực hiện thêm thủ tục gộp tài sản chung vợ chồng và đăng ký thêm tên vợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở theo quy định tại điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ - CP hướng dẫn quy định của luật đất đai năm 2013.

 

Điều 76. Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng

1. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

.....

d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

 

 

Trân trọng

CV tư vấn : Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo