Chung sống với phụ nữ đã có gia đình có vi phạm không?
1. Chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình
Trên thực tế, có rất nhiều hành vi gây cản trở quan hệ hôn nhân vợ chồng nhưng phổ biến nhất là hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình hay còn gọi là “ngoại tình”. Quan hệ hôn nhân nước ta hiện nay dựa trên chế độ một vợ, một chồng. Pháp luật nghiêm cấm sự xuất hiện của “người thứ ba” phá vỡ chế độ này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ chồng.
Để đánh giá về mức độ vi phạm của hành vi này phải dựa trên nhiều yếu tố theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình và các luật, văn bản pháp luật khác có liên quan. Nhưng, do sự ảnh hưởng lớn của đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, đại đa số mọi người coi hành vi sống chung với người đã có gia đình là hành vi phạm tội. Đây chính là nguyên do dẫn đến tình trạng có rất nhiều vụ “đánh ghen” làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Vậy cần phải hiểu rõ chung sống như vợ chồng là gì, chung sống được vợ chồng được hiểu chung nhất là hành vi chung sống với người đã có vợ hoặc đã có chồng, hành vi chung sống, sinh hoạt chung được thể hiện thông qua việc có con chung, có tài sản chung, được người khác coi như vợ chồng. Hành vi chung sống như vợ chồng tùy từng trường hợp, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Chung sống với phụ nữ đã có gia đình có vi phạm không?
Câu hỏi đề nghị tư vấn: chào VP luật sư Minh Gia! Mong được VP tư vấn trường hợp sau: hai vợ chồng A kết hôn với nhau từ năm 1972 đến nay, cách đây khoảng 10 năm người chồng đâm đơn ly hôn người vợ, nhưng gia đình, họ hàng khuyên can nên người chồng rút lại (tòa đã gọi hai bên, con cái).
Nguyên nhân do người chồng này có quan hệ bên ngoài với người phụ nữ thứ 3 hàng xóm gần nhà hai người. Hai người này thường dâu diếm qua lại với nhau. Từ năm 2013 người chồng nay vào Dac Lak mua nương làm rồi hai người sống chung như vợ chồng cho đến nay. Xin hỏi VP nếu khởi kiện người phụ nữ kia thì kiện tội gì, cần những bằng chứng gì để khởi kiện xin chân thành cảm ơn! Mong được VP LS giải đáp sớm.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:
Điểm c khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 quy định rằng:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Thông tư liên tịch Số: 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
3.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”
Đối chiếu quy định pháp luật vào trường hợp của bạn, người chồng vẫn chưa ly hôn vợ, mặc dù không còn chung sống với nhau nhưng vẫn có quan hệ hôn nhân với nhau. Ban đầu, người chồng giấu diếm qua lại với người hàng xóm, sau đó hai người vào ĐakLak công khai chung sống và làm ăn với nhau. Như vậy người chồng và người phụ nữ này đã có hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình. Tuy nhiên, để truy cứu TNHS đối với hành vi này của hai người cần dựa trên những yêu tố khác như hậu quả, phá vỡ hôn nhân của người khác,… Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp thì chưa thể xác định rằng người phụ nữ và người chồng kia bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi của hai người này chỉ có thể bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 3.000.000 đồng tới 5.000.000 đồng theo điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ – CP.
Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn đến cơ quan công an nơi người này đang cư trú và trình báo về hành vi này để cơ quan công an tiếp nhận và xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Khi gửi đơn đến cơ quan công an, để chứng minh nội dung mình trình bày là có căn cứ, bạn cần cung cấp các bằng chứng chứng minh sự việc như Giấy đăng kí kết hôn của người vợ và người chồng; Lời khai của những người xung quanh về việc người chồng và người phụ nữ chung sống với nhau; Giấy tờ chứng minh họ cùng nhau làm ăn, có tài sản chung, có con cái chung;
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất