Sống với người đã có gia đình có quyền về tài sản không?
Câu hỏi tư vấn: Luật sư cho tôi hỏi trường hợp phân chia tài sản khi chung sống như vợ chồng như sau: Ba tôi có vợ và bốn người con trước khi về sống chung (không đăng kí kết hôn) với mẹ tôi bây giờ vào năm 1974. Ông ta vẫn qua lại với người vợ trước và có thêm một người con nữa. Ông ta và mẹ tôi có tôi (1975) và em trai tôi (1982).
Vào năm 1980 mẹ tôi có mua 1 căn nhà để ở và buôn bán tạp hóa. Trong thời gian chung sống Ba tôi không lo phụ giúp mẹ tôi trong việc buôn bán hay chăm lo cho anh em chúng tôi. Suốt ngày uống rượu về gây sự với những người đến mua hàng và làng xóm, rồi bài bạc số đề. Ba tôi không có tên trong sổ hộ khẩu và giấy tờ nhà. (Chỉ có một mình tên của mẹ tôi thôi) Có một việc là giấy khai sinh của tôi và em trai tôi lại có tên cha tôi trong phần TÊN CHA. Đăng kí kết hôn của ông và vợ trước vẫn còn hiệu lực, người vợ trước vẫn còn sống. Bây giờ mẹ tôi muốn bán ngôi nhà bà đã mua trước đó nhưng ông không đồng ý. Ông nói ông có quyền quyết định và có phần trong ngôi nhà đó. Vậy xin cho hỏi mẹ tôi có quyền tự quyết định bán ngôi nhà đó không? Và nếu không bán được, sau khi Ba tôi chết, các con đời trước có được quyền hưởng thừa kế không? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về quan hệ hôn nhân
Mục 1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định như sau:
“[...] trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung [...]”
Đối chiếu theo quy định này, ba mẹ bạn đã chung sống như vợ chồng từ thời điểm 1974 nên có đủ điều kiện được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, từ thời điểm về chung sống với mẹ bạn cho đến nay, ba bạn vẫn đang trong quan hệ hôn nhân với người vợ trước (chưa ly hôn). Do đó, nếu công nhận quan hệ hôn nhân của ba mẹ bạn theo quy định nêu trên sẽ vi phạm điều cấm được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 1960 (văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm năm 1974): “Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.”
Như vậy, quan hệ hôn nhân giữa ba và mẹ bạn sẽ không được pháp luật công nhận. Việc trong giấy khai sinh của bạn và em trai bạn ghi tên ba bạn trong phần Tên cha hay trên sổ hộ khẩu không có tên của ba bạn không dùng làm căn cứ để đánh giá quan hệ hôn nhân của ba mẹ bạn có hợp pháp hay không.
Thứ hai, về quyền tài sản của ba mẹ bạn
Đối với trường hợp như ba mẹ bạn, quyền và nghĩa vụ tài sản của mỗi bên được xác định theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Đối chiếu quy định này, căn nhà mà mẹ bạn mua năm 1980 có thể là tài sản chung của ba mẹ bạn hoặc là tài sản riêng của mẹ bạn tùy thuộc vào công sức đóng góp của hai người. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Tuy căn nhà đó được mua trong thời kỳ ba mẹ bạn sống chung nhưng nếu căn nhà đó hoàn toàn do một mình mẹ bạn mua, đứng tên của mẹ bạn thì theo pháp luật đó chính là tài sản riêng của mẹ bạn và bà có quyền quyết định việc bán, tặng, cho đối với ngôi nhà đó.
Trường hợp 2: Trong trường hợp ba bạn có đóng góp một phần trong việc mua ngôi nhà đó thì ba bạn phải chứng minh được công sức đóng góp của mình. Nếu chứng minh được thì đây sẽ là tài sản chung của ba mẹ bạn được hình thành trong thời kỳ sống chung với nhau nên việc bán nhà phải theo thỏa thuận của ba mẹ bạn. Hay nói cách khác, mẹ bạn không thể tự mình bán căn nhà này nếu không có sự đồng ý của ba bạn. Trường hợp ba mẹ bạn không thỏa thuận được thì thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, Tòa án sẽ dưa trên công sức đóng góp của mỗi bên để phân chia tài sản.
Thứ ba, về quyền thừa kế
Nếu căn nhà được xác định là tài sản chung của ba mẹ bạn (theo phân tích tại phần trên), khi ba bạn mất, phần tài sản của ba bạn (dựa trên công sức đóng góp) trong khối tài sản chung đó sẽ được coi là di sản thừa kế do ba bạn để lại. Phần di sản này sẽ được chia thừa kế theo nội di chúc (nếu có di chúc) hoặc chia theo pháp luật (nếu không có di chúc).
Khi chia thừa kế theo pháp luật, tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết…”
Như vậy, những người thừa kế của ba bạn bao gồm: người vợ trước và các con của ông (con của người vợ trước và hai anh em bạn), ba mẹ của ông (nếu còn sống), còn mẹ bạn do không có đăng ký kết hôn nên sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật của ba bạn.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất