Chứng cứ ghi âm trong vụ án hình sự
Nội dung cần tư vấn:
Kính chào luật sư!
Tôi bị vướng mắc với bọn cho vay nặng lãi cụ thể như sau:
Bọn chúng cho tôi vay 1 tỷ đồng với lãi suất 9000đ/1triệu/ngày tức 27%/tháng. Chúng bắt tôi viết giấy nhận tiền xin việc và biên bản hẹn trả lại tiền xin việc. Tôi đóng lãi một năm 3 tỷ cho chúng và giờ không còn khả năng đóng lãi nữa nên chúng kiện tôi về tội lừa đảo. Tôi có đầy đủ ghi âm về việc đóng lãi cho chúng. Nhưng tìm hiểu qua thì thấy chứng cứ ghi âm yếu quá (theo quy định pháp luật phải có biên bản xác nhận việc ghi âm...). Tôi vô cùng hoang mang và lo sợ nên gửi thư cầu cứu luật sư tư vấn giúp tôi với. Làm sao để chứng cứ ghi âm của tôi có gía trị pháp lý và đưa được bọn ác nhân ra trước ánh sáng của pháp luật. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Như vậy, lãi suất do các bên thảo thuận nhưng không quá 20%/năm và không quá 1,67%/tháng.
Bên cho vay đã cho bạn vay với lãi suất gấp: 27%:1,67% = 16,2 lần lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng. Như vậy bên cho bạn vay đã có dấu hiệu cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…”
Thứ hai, Khoản 2 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về xác định chứng cứ như sau:
“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó…”
Thứ ba, Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015(sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.” Bạn là nạn nhân của một vụ cho vay nặng lãi nên những người kia không thể buộc tội bạn tội lừa đảo này được.
Như vậy có thể nói hiện giờ bằng ghi âm là chứng cứ rõ ràng nhất bạn có thể sử dụng để tự bảo vệ mình. Hơn nữa hành vi của đám người kia đã cấu thành tội cho vay nặng lãi và bạn hoàn toàn có thể khởi kiện hình sự. Tuy nhiên bạn cần phải chuẩn bị được các tài liệu cần thiết để chứng minh giá trị pháp lý của cuốn băng ghi âm.
Trân trọng.
Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất